Chi tiết

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chọn tạo thành công giống đậu tương cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Giống đậu tương mới với năng suất và hàm lượng dầu cao được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang canh tác cây trồng này.
Là loại cây dễ trồng, có tính ổn định cao, đậu tương là dòng cây đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích phát triển. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giống cây này cũng được nhiều hộ dân lựa chọn để trồng xen canh hoặc sử dụng trong mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đất chuyên canh cây trồng cạn và đất lúa kém hiệu quả. 
Trong khi đó về mặt quản lý nhà nước, cây đậu tương (đậu nành) cũng được lựa chọn làm giống cây trồng chủ đạo được quy hoạch phát triển tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, được cụ thể hóa thông qua nhiều chủ trương như: Chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu nành và lạc đến năm 2020 (Quyết định 20/2007/QĐ-BNN); đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định 899/QĐ-TTg)...
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng đậu tương dần bị thu hẹp. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, bao gồm: giá thấp, chưa hấp dẫn người trồng, hiệu quả kinh tế mang lại chưa thuyết phục; tính thích nghi của một số giống mới chưa cao; quy trình kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ, cùng với năng lực đầu tư của đại đa số người trồng có giới hạn; sự đa dạng sản phẩm, cây trồng khác trong sản xuất ngày càng cao đã làm cho người dân có nhiều chọn lựa, khiến người dân không mặn mà với cây đậu tương. Chính vì lẽ đó, hệ quả diện tích gieo trồng đậu tương ngày càng sụt giảm, gây thiếu thốn lượng lớn nguồn cung để phục vụ cho việc sản xuất thức ăn gia súc, dầu thực vật, sữa và nước giải khát,... 
Nắm bắt vấn đề, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Tuyển chọn giống đậu tương có năng suất và hàm lượng dầu cao phù hợp với điều kiện sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Thời gian thực hiện đề tài từ 01/2018 đến tháng 12/2020 trên địa bàn 03 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gồm: An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Mục tiêu nhằm lựa chọn được giống đậu tương mới có năng suất và hàm lượng dầu cao, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mặt khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng Đồng bằng sống Cửu Long như: thời gian sinh trưởng ngắn từ 85-90 ngày để thuận lợi đưa vào cơ cấu cây trồng, thân cây cứng, hạn chế đổ ngã khi gieo sạ, quả chín tập trung và ít tách hạt ngoài đồng nên hạn chế thất thoát sản phẩm do chín trong mùa khô và có chiều cao đóng trái cao để dễ ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch....
Từ những yêu cầu đề ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh, đánh giá chất lượng và khả năng thích ứng của một số giống đậu tương có triển vọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long:: so sánh sơ bộ các giống đậu tương triển vọng (1 vụ, 2018); khảo nghiệm cơ bản các giống đậu tương triển vọng (3 vụ, 2018 - 2019); khảo nghiệm sản xuất các giống đậu tương triển vọng (1 vụ, 2019); khảo nghiệm DUS giống đậu tương triển vọng (2 vụ, 2019-2020); nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống đậu tương triển vọng (2 vụ, 2019-2020); xây dựng mô hình thâm canh giống đậu tương triển vọng (1 vụ, 2020); công bố lưu hành giống đậu tương (2020).
Kết quả nghiên cứu đã chọn được giống đậu tương VDT7 là giống triển vọng có khả năng thích nghi trên nhiều loại đất, phù hợp với quá trình canh tác và thời vụ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, VDT7 có thời gian sinh trưởng ngắn (82-90 ngày), số quả/cây cao (67,9-85,8 quả), khối lượng 1000 hạt khá cao (151,7-158,8g), năng suất cao (2,73-3,93 tấn/ha), hàm lượng dầu (20,49-21,18%), hàm lượng protein 33,9%, giống có khả năng chống đổ ngã và tách hạt, phù hợp cho ngành công nghiệp dầu và chế biến thực phẩm. 
Cũng trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu tiếp tục thử nghiệm, phát triển thành công mô hình canh tác giống theo quy trình mới dành riêng cho đậu tương VDT7, thích hợp với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, nếu áp dụng sản xuất giống đậu tương VDT7 theo mô hình canh tác mới, sẽ giúp mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao, với lợi nhuận tăng thêm từ 17.051.000-25.712.000 đồng/ha/vụ. 
Từ những kết quả, lợi ích thu được, giống đậu tương VDT7 của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận công bố lưu hành tại Thông báo số 1450/TB-TT-VPNN ngày 01 tháng 12 năm 2020. Qua đó, chính thức cho phép lưu hành trong sản xuất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giống đậu tương VDT7, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân canh tác giống cây trồng này.
Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành của Bộ Công Thương trong lĩnh vực dầu và cây có dầu. Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã triển khai hiệu quả nhiều đề tài, dự án, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sản xuất ngành dầu thực vật và ngành nông nghiệp Việt Nam. 
Ghi nhận những đóng góp, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được tặng thưởng nhiều bằng khen quý giá: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Công Thương; Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua của Bộ Công Thương; Tập thể lao động xuất sắc cấp Bộ Công Thương…
Quang Ngọc
Nguồn: https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t18019/vien-nghien-cuu-dau-va-cay-co-dau-chon-tao-thanh-cong-giong-dau-tuong-cho-dong-bang-song-cuu-long.html

 
Go to Top