Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thiết bị chiết tách tinh dầu Tràm trà (Melaleuca alternifolia)
Kết quả nhiệm vụ KHCN nghiệm thu cấp Bộ năm 2020: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thiết bị chiết tách tinh dầu Tràm trà (Melaleuca alternifolia)
- Thời gian thực hiện: từ 01/2019 – 12/2020
- Kết quả đạt được:
Đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ là phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước với nguyên liệu cành lá Tràm trà và mục tiêu là thiết kế, chế tạo hệ thiết bị chưng cất tinh dầu có nồi hơi riêng.
Dựa trên kết quả nghiên cứu hoàn thiện các thông số công nghệ của quá trình chưng cất lôi cuốn hơi nước tinh dầu Tràm trà, nhóm nghiên cứu đã lên phương án thiết kế các thiết bị của hệ thống như: tính toán công suất thiết bị chính và các thiết bị đi kèm (thể tích bồn chứa, kích thước bộ phận làm lạnh, bộ phận ngưng tụ, phân tách); Lựa chọn vật liệu chế tạo; Thiết kế bản vẽ kỹ thuật và sơ đồ lắp đặt các thiết bị của hệ thống theo các thông số đã tính toán; Lựa chọn đơn vị để gia công, chế tạo hệ thiết bị. Kết quả có được hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu Tràm trà quy mô 1.000kg NL/mẻ bao gồm 1 nồi hơi, 2 nồi cất riêng biệt và 2 hệ thống ngưng tụ, phân ly.
Sau khi lắp đặt và vận hành thử thiết bị, đồng thời điều chỉnh một số thông số công nghệ, nhiệm vụ đã biên soạn một bộ hồ sơ về “Hướng dẫn vận hành, sửa chữa và bảo trì thiết bị chưng cất tinh dầu”.
Qua các đợt sản xuất thử nghiệm, sản phẩm tinh dầu được phân tích chất lượng và trên cơ sở các kết quả đó cùng với tài liệu Tiêu chuẩn tinh dầu Tràm trà theo ISO 4730:2017, đề tài đã biên soạn và Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã ban hành quyết định 65/QĐ-VD ngày 03/8/2020 về việc công bố Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 05:2020/VD cho sản phẩm tinh dầu Tràm trà - IOOP do Viện sản xuất thử.
Với hệ thiết bị nghiên cứu, chế tạo này, đã sản xuất thử được 103,7 lít tinh dầu Tràm trà đạt theo TCCS đã được công bố.
Với mô hình công nghệ và thiết bị sản xuất tinh dầu hiện đại, sử dụng nồi hơi chạy điện, qui mô 1.000kg NL/mẻ, hoạt động liên tục nhờ có 2 nồi cất, phù hợp cho hộ kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ hoặc các đơn vị sản xuất tinh dầu qui mô vừa, nhóm thực hiện đã ước tính giá thành sơ bộ và chi phí sản xuất cùng hiệu quả kinh tế cho sản phẩm tinh dầu Tràm trà của đề tài, theo đó lợi nhuận thu được có thể đạt 25% so với doanh thu.
- Định hướng trong thời gian tới:
Hệ thiết bị chưng cất tinh dầu từ kết quả nghiên cứu bao gồm: 1 hệ chưng cất tinh dầu bằng hơi nước do nồi hơi điện cung cấp và một nồi cất tinh dầu chạy điện có tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các loại tinh dầu khác nhau ở qui mô pilot hoặc sản xuất nhỏ; Có thể làm mô hình trong chuyển giao công nghệ và thiết bị hoặc để sản xuất các loại tinh dầu bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước.
Sản phẩm tinh dầu Tràm trà của đề tài đã được đem phân tích đánh giá chất lượng nhiều lần tại Trung tâm Phân tích và Kiểm định IOOP cũng như tại Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), kết quả cho thấy đều đạt theo Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 4730:2017 và Tiêu chuẩn cơ sở tự công bố của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Đây là cơ sở để sản phẩm có thể hướng tới thương mại hóa nếu được đầu tư nghiên cứu thêm về bao bì, nhãn mác hoặc dùng làm nguyên liệu cho các nghiên cứu thử nghiệm một số sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm từ tinh dầu Tràm trà.