Tuyển chọn giống đậu tương có năng suất và hàm lượng dầu cao phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đồng bằng Sông Cửu Long
Kết quả nhiệm vụ KHCN nghiệm thu cấp Bộ năm 2020: Tuyển chọn giống đậu tương có năng suất và hàm lượng dầu cao phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
- Thời gian thực hiện: từ 01/2018 – 12/2020, trên địa bàn 3 tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long gồm An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.
- Kết quả đạt được:
Trong giai đoạn 2018 – 2020 thông qua so sánh chính quy, khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất, khảo nghiệm DUS và xây dựng mô hình trình diễn đã xác định được giống đậu tương VDT7 phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đồng bằng Sông Cửu Long với các đặc điểm:
+ Giống đậu tương VDT7 thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, gieo trồng trên nhiều mùa vụ và có khả năng luân canh trên đất lúa ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long với thời gian sinh trưởng ngắn (82 - 90 ngày), số quả/cây cao (67,0 – 85,8 quả), khối lượng 1000 hạt cao (150,1 – 158,8 gam).
+ Năng suất đạt được từ 2,22 – 3,47 tấn/ha (cao hơn 10% so với giống đối chứng địa phương).
+ Hàm lượng dầu từ 20,49 - 21,18%, protein đạt 33,9%, phù hợp cho ngành công nghiệp dầu và chế biến thực phẩm.
+ Giống đậu tương VDT7 có khả năng chống đổ ngã tốt, ít tách hạt khi vào giai đoạn thu hoạch.
Từ những đặc tính nổi bật trên,giống đậu tương VDT7 do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu nghiên cứu được phép lưu hành trong phạm vi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 01/12/2020.
- Định hướng trong thời gian tới:
+ Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh để chuyển giao giống đậu tương VDT7 vào bộ giống triển vọng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và biện pháp kỹ thuật canh tác mới thay thế biện pháp canh tác đang áp dụng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
+ Các kết quả nghiên cứu cho thấy giống đậu tương VDT7 là giống triển vọng có năng suất và hàm lượng dầu cao, có tiềm năng để đưa vào sản xuất giống đại trà. Do đó định hướng tiếp tục xây dựng dự án sản xuất để cung ứng giống cho khu vực phía Nam.