Chi tiết

Các chiến lược và giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước

Tác giả: Võ Bửu Lợi, Bùi Thanh Bình, Đặng Thị Thanh Hương, Huỳnh Đình Thạch.
Tóm tắt:  Đề tài đã điều tra xác định nhóm nguyên liệu Dầu thực vật thô nhập khẩu và nhóm sản phẩm Dầu tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam.
Đề tài đã đánh giá thực trạng sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm Dầu thực vật sản xuất trong nước và đề xuất các chiến lược, giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Dầu thực vật sản xuất trong nước.
1. MỞ ĐẦU
Hiện nay thị trường dầu ăn Việt Nam rất sôi động với sự góp mặt nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự đa dạng này thể hiện qua sự phong phú cả về chủng loại, mẫu mã, giá cả và chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng có được nhiều sự lựa chọn hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sản xuất là không hề nhỏ, bên cạnh đó sức ép về vấn đề nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất dầu thực vật ngày càng lớn. Để đối phó với vấn đề này ngành dầu thực vật cần phải xác định vị thế cạnh tranh sản phẩm dầu của các doanh nghiệp trong nước, xác định các nguồn lực cốt lõi tạo nên lợi thế cạnh tranh.
- Đánh giá tác động của sản phẩm dầu thực vật nhập khẩu đối với sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước và đề xuất giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước.  
- Là tài liệu góp phần đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao vị thế của ngành Công nghiệp sản xuất dầu thực vật Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới giai đoạn 2011-2020.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
- Các sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong và ngoài nước.
- Nguyên liệu sản xuất dầu thực vật (nguyên liệu dầu thô và dầu tinh luyện).
- Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dầu thực vật.
- Các văn bản pháp lý, chính sách về sản xuất và kinh doanh dầu thực vật.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp kế thừa: Tham khảo các tài liệu, lý thuyết, tổng hợp, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học trong ngành Dầu thực vật.
Phương pháp toán học: Số liệu điều tra, khảo sát được xử lý bằng phầm mền Excel và phần mền SPSS13.0.
Phương pháp thực nghiệm:
- Khảo sát các nhóm sản phẩm dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam.           
- Phân tích đánh giá hệ thống văn bản, quy định pháp lý liên quan đến việc nhập khẩu sản phẩm dầu thực vật (cơ chế chính sách, thuế, hải quan …).
- Đánh giá thực trạng kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước.
- Đề xuất giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều tra xác định các nhóm sản phẩm dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam.
3.1.1. Nhóm nguyên liệu dầu thô nhập khẩu vào Việt Nam.
Điều tra tình hình nhập khẩu nguyên liệu dầu thực vật những năm gần đây, kết quả cho thấy, khối lượng dầu thực vật nhập khẩu tỷ lệ thuận với lượng dầu sản xuất trong nước nếu như năm 2005 cả nước nhập 382.412 tấn dầu thực vật các loại thì năm 2010 đã nhập tới 691.000 tấn, tăng 2,5lần. Riêng dầu thực vật thô, năm 2005 nhập khẩu 351.018 tấn thì năm 2010 nhập khẩu là 345.000 tấn.
- Lượng dầu cọ là loại dầu thô được nhập khẩu nhiều nhất trong những năm qua, chiếm 44,8 - 74,7%, thấp nhất vào năm 2006 và nhiều nhất là năm 2005. Tiếp đến là dầu nành, với lượng nhập khẩu dao động từ 15,14 – 45,58%.
3.1.2. Nhóm sản phẩm dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam.
Điều tra tình hình nhập khẩu dầu thực vật tinh luyện từ năm 2005 đến 2010, kết quả được trình bày. Lượng dầu tinh luyện nhập khẩu tăng nhanh, chỉ từ 31.394 tấn năm 2005 đã tăng lên 346.000 tấn trong năm 2010, gấp 11,15 lần. Đặc biệt là những năm sau 2005, lượng dầu nhập khẩu đã tăng vọt, gấp khoảng 10 lần. Điều này cho thấy có một sự đột biến trong chính sách, cơ chế nhập khẩu.
Như vậy có thể nói: Ngành Công nghiệp Dầu thực vật của nước ta hiện nay họat động vẫn tiếp tục dựa vào việc nhập khẩu dầu thô và dầu tinh luyện và tỷ lệ giữa hai loại dầu này là 50/50.
3.2. Đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật trong nước.
 Môi trường vĩ mô tác động lên năng lực cạnh tranh sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước gồm các yếu tố: Yếu tố xã hội, yếu tố tự nhiên, yếu tố chính trị, yếu tố công nghệ và yếu tố kinh tế tác động sản phẩm dầu thực vật.
Môi trường vi mô tác động lên năng lực cạnh tranh sản phẩm dầu thực vật sản xuất trong nước gồm các yếu tố: Nhà cung cấp, khách hàng, sự đe doạ của sản phẩm thay thế, sự đe dọa của đối thủ tiền ẩn.
3.3. Chiến lược và giải pháp nâng cao sức cạnh tranh dầu thực vật sản xuất trong nước
Từ Ma trận SWOT kết hợp các yếu tố bên trong (điểm mạnh, điểm yếu) và yếu tố bên ngoài (cơ hội, đe doạ) để tạo ra các chiến lược nâng cao sức cạnh tranh DTV, di kèm là các giải pháp.
Chiến lược nâng cao sức cạnh tranh DTV:
  • Chiến lược mở rộng thị trường.
  • Chiến lược phát triển sản xuất.
  • Chiến lược phát triển vùng nguyên liệu và công nghệ.
  • Chiến lược tài chính.
  • Chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
  • Chiến lược tận dụng các ưu đãi chính sách của nhà nước.
  • Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các giải pháp nhằm thực hiện chiến lược phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dầu thực vật:
  • Giải pháp mở rộng thị trường.
  • Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.
  • Giải pháp về nguồn nguyên liệu và khoa học công nghệ.
  • Giải pháp về tài chính.
  • Giải pháp về nguồn nhân lực.
  • Giải pháp tận dụng các ưu đãi chính sách của Nhà nước.
4. KẾT LUẬN
- Đã điều tra 2 nhóm sản phẩm Dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam: Nhóm Dầu thực vật thô nhập khẩu (cọ, nành, cải và một số loại khác), nhóm Dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu (dầu cọ, nành, oliu, và một số loại dầu khác).
- Đề xuất được bảy chiến lược và các giải pháp đi kèm: Thị trường, chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu và KHCN, tài chính, nguồn nhân lực và các chính sách, năng lực cạnh tranh.
08%20pic%2001.jpg
Go to Top