Chi tiết

Liên kết 4 nhà: Tăng hiệu quả nghiên cứu khoa học

Để các công trình nghiên cứu khoa học phát huy hiệu qủa trong thưc tiễn, giải pháp tốt nhất là liên kết nhuần nhuyễn giữa bốn nhà (nhà nước- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp và nhà nông) từ khâu chuyển giao đề tài đến khâu làm ra sản phẩm. Tiến sĩ Lê Công Nông - Viện trưởng Viện nghiên cứu Dầu & Cây có dầu (IOOP) đã khẳng định như vậy với phóng viên Chuyên đề Kinh tế Việt Nam (Báo Công Thương).
lien ket 4 nha tang hieu qua nghien cuu khoa hoc
Viện trưởng IOOP Lê Công Nông (bìa trái) giới thiệu với doanh nghiệp về các sản phẩm tinh dầu
do IOOP nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất
Xin ông cho biết, có phải IOOP hiện không chỉ đơn thuần là một trung tâm nghiên cứu khoa học?
Thành lập năm 1980, IOOP là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) của Bộ Công Thương chuyên nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh (SXKD) về ngành công nghiệp chế biến dầu, cây có dầu và cây tinh dầu. Trong những năm qua, IOOP đã nghiên cứu thành công các giống cây có dầu mới, năng suất cao, chất lượng tốt đã được công nhận giống quốc gia và phổ biến trong sản xuất. Chẳng hạn như các giống lạc (VD1, VD2…), giống vừng (V6, VDM3…), giống đậu tương (VDN1, VDN3), giống dừa để lấy dầu… Kỹ thuật canh tác, chế biến dầu như: Quy trình thâm canh dừa, Quy trình thâm canh cây lạc, nuôi cấy phôi dừa sáp, sản xuất chế phẩm vi sinh cố định đạm, chế biến nước giải khát lên men, giấm dừa, màng lọc vi khuẩn, dầu mè tươi, dầu hạt thanh long… là những dự án đã mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn.
Việc chuyển giao những công trình nghiên cứu khoa học diễn ra như thế nào, thưa ông?
IOOP đã có nhiều công trình đưa vào thực tiễn, đạt được kết quả cao. Chẳng hạn, Dự án Phát triển và Sản xuất giống dừa đã giúp tăng cao chất lượng cây giống, năng suất. Dự án đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tiêu chuẩn cây giống cho một số giống dừa, trong đó có 8 giống dừa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận giống quốc gia và đã sản xuất hơn 100.000 cây giống/ năm. Ngoài cây dừa, IOOP còn có Đề tài Tuyển chọn, phát triển 2 giống vừng đen (VĐ3) và vừng vàng (VV 12), năng suất cao, đạt 1,37 - 1,63 tấn/ha ở Đồng Tháp. Đề tài Ứng dụng, thâm canh 5 giống lạc mới cho năng suất cao từ 3,7 – 4,2 tấn/ha tại Bình Thuận. Từ nghiên cứu chiết xuất dầu vừng giàu chất chống oxy hóa, IOOP phối hợp với Cơ sở Mè đen Việt sản xuất 100 lít sản phẩm/ngày và 6.000 lít dầu vừng tươi giàu chất chống oxy hóa đã đưa ra thị trường. Dự án Nghiên cứu khả năng kháng một số nhóm vi sinh vật của tinh dầu Trúc (Citrus hystrix), quy mô 20kg nguyên liệu/mẻ, sản phẩm đã nhận được phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng (NTD). Trên cơ sở đó, IOOP đã đưa showroom tinh dầu thiên nhiên (đường Hàm Nghi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) vào hoạt động để mở rộng sự kết nối với doanh nghiệp (DN) và cung cấp cho NTD. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện đã liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu TTP làm đối tác thương mại bao tiêu tất cả các sản phẩm dầu - tinh dầu của Viện. Công ty TTP với mong muốn trở thành một kênh trong chuỗi cung ứng các sản phẩm này từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, trở thành địa chỉ tin cậy để mua bán sản phẩm nông nghiệp sạch.
lien ket 4 nha tang hieu qua nghien cuu khoa hoc
Cán bộ kỹ thuật của IOOP chuyển giao kỹ thuật canh tác giống lạc năng xuất cao cho nông dân tỉnh Bình Thuận
Từ kinh nghiệm của IOOP, theo ông giải pháp nào để các công trình nghiên cứu khoa học phát huy hiệu quả vào thực tiễn?
Hoạt động KHCN của IOOP đã có những bước tiến mới nhưng vẫn còn một số hạn chế. Thực tế không ít đề tài nghiên cứu chưa sát thực với nhu cầu của sản xuất, sản phẩm nghiên cứu còn manh mún, nên việc huy động nguồn lực từ bên ngoài khó khăn. Sự hợp tác, tích hợp khoa học liên ngành trong các nghiên cứu công nghệ ở ngay trong viện, giữa các viện, trường đại học hiện nay còn yếu. Đối tượng tiếp nhận đề tài chủ yếu là nông dân, trình độ tiếp cận với công nghệ của họ còn yếu, tiềm lực về kinh tế của nông dân thấp, nên việc hợp tác khó hiệu quả. Việc lựa chọn, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật thường do kinh phí nhà nước hoặc các tổ chức xã hội tài trợ. Theo đó, các tiến bộ kỹ thuật do IOOP nghiên cứu thường được chuyển giao miễn phí cho nông dân.
Gần đây, Bộ Công Thương chủ trương đẩy mạnh các dự án sản xuất thử nghiệm, hợp tác với DN triển khai dịch vụ sản xuất các sản phẩm để cung cấp cho thị trường, tăng nguồn thu tái đầu tư cho hoạt động khoa học, nhờ vậy một số dự án đã được triển khai và kết quả thu được khá khả quan.
Theo tôi, nhiệm vụ KHCN phải thật sự xuất phát từ thực tế nhu cầu của nền kinh tế và đặt hàng của DN. Vì thế, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế để huy động được nguồn lực về trí tuệ và kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KHCN trọng điểm cấp nhà nước và giải quyết những vấn đề cấp thiết phục vụ sản xuất.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh SXKD các loại giống cây có dầu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học bằng cách chuyển giao cho nông dân, DN. Vì vậy, IOOP cần hợp tác với DN để huy động vốn và chuyên gia, để các đề tài nghiên cứu khoa học gắn với thực tế của sản xuất. Để thực hiện việc này, nhà nước cần có cơ chế, chính sách thích hợp để giúp các viện nghiên cứu như IOOP huy động được các nguồn kinh phí ngoài ngân sách, tăng cường đầu tư cho KHCN, thúc đẩy sản xuất như chính sách miễn thuế đối với các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển của các DN... thì mới mang lại hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Thế Vĩnh & Hữu Tâm thực hiện
Tham khảo đường link: http://kinhtevn.com.vn/lien-ket-4-nha-tang-hieu-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-37720.html
Go to Top