Đánh giá chất lượng hạt Macca (Macadamia integrifolia) trồng tại Việt Nam
Tác giả: KS. Hồ Thị Mai, ThS. Bùi Thanh Bình, KS. Võ Bửu Lợi, KS. Nguyễn Thị Hồng Thỏa, KS. Trần Thị Ngọc Liễu
Cây Macca (Mắc ca) có tên khoa học là Macadamia, thuộc chi Macadamia, họ Proteaceae, là một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mắc ca là cây thực phẩm, quả khô, thân gỗ, có nguồn gốc từ vùng cận nhiệt đới ven biển Đông Nam Queensland và Đông Bắc New South Wales của nước Úc, gồm 2 loài có giá trị kinh tế là: loài vỏ hạt trơn (Macadamia integrifolia) và loài vỏ hạt sần (Macadamia tetraphylla). Cây Mắc ca bắt đầu được trồng ở Việt Nam từ năm 1994 ở Ba Vì, Hà Tây, sau đó dần mở rộng diện tích trồng ở các tỉnh vùng Tây Bắc và đặc biệt là Tây Nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng) khi được đánh giá là cây “tỉ đô”. Sản phẩm chính của cây Mắc ca là hạt và vì nó có hương vị thơm ngon nhất trong các loại hạt dùng để ăn nên được mệnh danh là “Hoàng hậu quả khô”. Nhân Mắc ca là một loại sản phẩm cao cấp, ngon, bổ, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và có tác dụng tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm từ nhân Mắc ca được đánh giá là những thực phẩm cao cấp, rất giàu dinh dưỡng, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, phục vụ nhu cầu chăm sức khỏe, làm đẹp và phát triển công nghiệp...
Với mục tiêu đánh giá chất lượng hạt Mắc ca sau khi du nhập vào Việt Nam, góp phần cung cấp những thông tin cho các nhà đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm dầu Mắc ca phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm và mỹ phẩm, nhóm đã thu thập và khảo sát 4 giống Mắc ca trồng tại Tây Bắc (giống OC, 816, A38 và 842) và 4 giống trồng ở Tây Nguyên (giống OC, 816, QN1, 849).
Kết quả nghiên cứu đã xác định các đặc điểm về hình thái (khối lượng 1.000 hạt, kích thước hạt, kích thước nhân hạt, tỉ lệ hạt/quả, tỉ lệ nhân/hạt) của 8 giống thu thập, trong đó giống OC có kích thước hạt, nhân, tỉ lệ hạt/quả và tỉ lệ nhân/hạt vượt trội so với các giống khác ở cả 2 vùng sinh thái. So sánh 2 giống OC và 816, khi trồng ở Tây Nguyên đều có các chỉ số đặc điểm hình thái cao hơn khi trồng ở Tây Bắc.
Dựa vào kết quả đánh giá hình thái, nhóm nghiên cứu chọn lựa 2 giống trồng ở Tây Bắc (OC và 842) và Tây Nguyên (OC và QN1) để tiến hành phân tích thành phần dinh dưỡng của nhân hạt, bao gồm: năng lượng, hàm lượng protein, dầu, carbonhydrat, hàm lượng Kali, Photpho, Magie, Canxi, các vitamin C, B1, B2, PP. Kết quả cho thấy nhân hạt Mắc ca chứa một hàm lượng các chất dinh dưỡng đáng kể để cung cấp nhu cầu cho cơ thể. Vì dầu là một thành phần đáng kể trong nhân hạt Mắc ca (>70%), do đó nhóm đã tiến hành ép nguội nhân hạt để lấy dầu của 8 giống thu thập, sau đó phân tích thành phần axit béo, một số chỉ tiêu hóa lý đặc trưng (chỉ số xà phòng, Iốt, peroxit, axit, màu, chỉ số khúc xạ) và hàm lượng tocopherol của dầu.
Chất lượng nhân hạt và dầu Mắc ca trồng ở Việt Nam cũng được phân tích, so sánh với tài liệu về Mắc ca trên Thế giới, nhìn chung là tương đương, tuy nhiên cũng có một số thành phần khoáng, nguyên tố vi lượng khác nhau.