Chi tiết

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu nghiệm thu cấp cơ sở các nhiệm vụ KHCN năm 2023

Ngày 15 tháng 12 năm 2023, Hội đồng Khoa học Công nghệ của Viện đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở tổng kết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp Bộ năm 2023 do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chủ trì.
Tại buổi nghiệm thu, sau khi ThS. Huỳnh Đình Thạch  – Thư ký Hội đồng Khoa học Công nghệ đọc Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN, PGS.TS. Trịnh Xuân Vũ – Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi nghiệm thu, các chủ nhiệm nhiệm vụ lần lượt trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
1. Nhiệm vụ: “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao”, thời gian thực hiện 2019-2023, do TS. Lê Công Nông làm chủ nhiệm.
Sau 5 năm thực hiện, nhiệm vụ đã chọn tạo được 10 dòng lạc triển vọng từ lai hữu tính và đột biến có hàm lượng dầu >50% (04 dòng lạc lai và 06 dòng lạc đột biến) để thực hiện khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng. Từ khảo nghiệm xác định giống lạc mới VD11 (phía Nam) và LDT3 (phía Bắc) vượt trội so với giống địa phương và tiến hành nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác và đã ban hành 02 quy trình canh tác thích hợp cho hai giống lạc này. Nhiệm vụ đã nộp hồ sơ tự công bố lưu hành của 02 giống lạc VD11 và LDT3 đến Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Mô hình sản xuất giống lạc VD11 tại các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Thuận đạt năng suất từ 3,54 – 3,71 tấn/ha, lợi nhuận đạt 62.922.000 – 76.942.000 đồng/ha/vụ và mô hình sản xuất giống lạc LDT3 thực hiện tại các tỉnh  - thành Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An đạt năng suất từ 3,60 – 3,70 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 64.580.000 – 68.330.000 đồng/ha/vụ; đánh giá hiệu quả mang lại từ các mô hình cao hơn so với các mô hình đối chứng và phù hợp với điều kiện nông hộ. Ngoài ra, nhiệm vụ đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh đào tạo được 01 Thạc sỹ chuyên ngành Khoa học cây trồng và 03 bài báo được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ của Bộ Công Thương và tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam.
2. Nhiệm vụ: “Nghiên cứu chọn tạo giống dừa cho các tỉnh phía Nam”, thời gian thực hiện 2019-2023, do ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư làm chủ nhiệm.
Sau 5 năm triển khai, nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu: Đã đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của giống dừa lai sáp thơm thế hệ F1 và F2 và phát hiện được những cây dừa cho quả vừa sáp vừa thơm mùi lá dứa; đã nhân giống được 16 cây dừa Sáp thơm bằng phương pháp nuôi cấy phôi (sử dụng quả giống được xác định là vừa sáp vừa có mùi thơm lá dứa để nuôi cấy phôi), đang trồng tại Tây Ninh; sau 40 tháng trồng, các cây trồng năm 2019 đã bắt đầu ra hoa. Từ nguồn dữ liệu theo dõi của đề tài, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre đã công nhận 38 cây dừa mẹ tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Dựa trên kết quả các thí nghiệm ảnh hưởng của phân lân và số lần bón phân đến sinh trưởng của cây dừa chịu mặn, thí nghiệm phòng trừ bọ dừa cho vườn dừa chịu mặn tại Tiền Giang và Bến Tre, kết hợp với quy trình canh tác dừa hiện có của Viện, nhiệm vụ đã xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác cây dừa trong điều kiện xâm nhập mặn thời kỳ kiến thiết cơ bản và đã được Viện ban hành. Nhiệm vụ đã sản xuất được 631 cây dừa giống chịu mặn và triển khai được 3,1 ha mô hình tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Ngoài ra, nhiệm vụ đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh đào tạo được 01 Thạc sĩ ngành Khoa học cây trồng và có 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh.
Đánh giá chung của Hội đồng nghiệm thu là: 02 nhiệm vụ KHCN do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thực hiện đã triển khai đầy đủ các nội dung công việc, kết quả của các nhiệm vụ đều đạt mục tiêu đề ra; số lượng, khối lượng và chủng loại sản phẩm đều đạt và vượt so với hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương. Các thành viên trong Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN với kết quả xếp loại Đạt.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:
21122023-1.1.jpg
21122023-1.2.jpg
 
Go to Top