Chi tiết

BỘ MÔN CÂY CÓ DẦU DÀI NGÀY

1. Tổ chức nhân lực
- Trưởng Bộ môn: ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư
              + Điện thoại: 0973 202128
              + Email: quynhthu@ioop.org.vn
- Phó Trưởng Bộ môn: ThS. Nguyễn Thị Mai Phương
              + Điện thoại: 0937994569
              + Email: ntmaiphuong@ioop.org.vn
- Điện thoại liên lạc: 028 39143022
2. Chức năng nhiệm vụ
Chức năng:
Bảo tồn tài nguyên di truyền các loại cây có dầu dài ngày: Dừa, cọ dầu, jatropha, Phi long, và cây có dầu dài ngày khác.
Nghiên cứu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật các cây có dầu dài ngày, cây trồng khác theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu phát triển của quốc gia trong từng thời kỳ.
Phối hợp đào tạo cán bộ khoa học ngắn hạn và dài hạn theo chuyên ngành nông nghiệp.
Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với địa phương trong nghiên cứu và phát triển giống cây có dầu dài ngày và các cây trồng khác.
Nhiệm vụ:
Nghiên cứu chọn tạo giống có năng suất, hàm lượng dầu cao, chống chịu sâu bệnh hại phù hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng sinh thái.
Khảo nghiệm đánh giá tính thích nghi của các giống cây có dầu dài ngày mới được chọn tạo tại các vùng sinh thái nhằm làm cơ sở cho việc công nhận giống mới.
Nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ sinh học phân tử trong việc chọn tạo giống cây có dầu dài ngày.
Nghiên cứu đối tượng sâu bệnh hại chính trên các cây có dầu dài ngày.
Nghiên cứu quy luật phát sinh và phát triển của sâu, bệnh hại các cây có dầu dài ngày.
Nghiên cứu quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại và luân canh cây trồng.
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong việc chẩn đoán dịch hại, sản xuất chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật từng bước giảm dần các chế phẩm hóa học phục vụ định hứơng của một nền nông nghiệp sạch.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển các giống cây có dầu dài ngày mới vào sản xuất.
Hợp tác với các công ty giống trong và ngoài nước nghiên cứu và phát triển các giống cây có dầu dài ngày ở đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL), Đông Nam bộ (ĐNB), Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ. Thực hiện đánh giá các nguồn nguyên vật liệu bố mẹ, lai thử nghiệm tại các vùng sinh thái.
Dịch vụ khảo nghiệm, đánh giá, đăng ký, sản xuất và phát triển các giống cây có dầu dài ngày chống chịu và sạch bệnh năng suất cao thích ứng với các vùng sinh thái trong phạm vi cả nước.
Kết hợp với các Viện nghiên cứu, trung tâm kiểm định thuốc BVTV trong và ngoài nước nhằm khảo nghiệm, đánh giá và phát triển các sản phẩm thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, sinh học, thảo mộc, các loại vật tư có liên quan đến bảo vệ thực vật và nông nghiệp khác phục vụ cho mục đích nghiên cứu, đăng ký và phát triển ở Việt Nam.
Tham gia đấu thầu thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tỉnh.
Tham gia phối hợp đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ, đào tạo cán bộ khuyến nông của các địa phương theo chuyên ngành.
3. Các công trình khoa học đã nghiên cứu
- Thu thập được 5 giống dừa trong đó có 3 giống quí hiếm là dừa Sọc, Xiêm lục, Xiêm lửa, thu thập bổ sung được 5 giống dừa có số lượng chưa đầy đủ và chăm sóc lưu giữ 51 mẫu giống dừa có nguồn gốc nhập nội và trong nước.
- Đã lai tạo thành công 17 tổ hợp dừa lai năng suất cao, được trồng khảo nghiệm và đánh giá thích nghi tại 15 điểm trồng ở 7 tỉnh phía Nam. Kết quả 3 trong 17 giống dừa lai (PB121, JVA1 và JVA2) đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời và cho phép sản xuất thử vào năm 2004.
- Đã nhập nội 12.500 cây dừa Dứa và đánh giá thích nghi tại một số tỉnh phía Nam. Năm 2006, giống dừa Dứa đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống chính thức năm 2012.
- Bốn giống dừa địa phương phổ biến: dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Ẻo đã được Bộ Nông nghiệp&PTNT công nhận giống chính thức vào năm 2011.
- Giống dừa Sáp đã được Bộ Nông nghiệp – PTNT công nhận giống chính thức vào năm 2016.
- Đã nhân thành công giống dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi với tỉ lệ thành công 20% và đưa ra vườn trồng 3 ha vào năm 2005. Sau đó, qui trình nuôi cấy phôi dừa Sáp được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao tỉ lệ thành công > 40% và đưa ra vườn trồng 700 cây ở vườn trồng tại 2 Trung tâm của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Đến năm 2015, tiếp tục hoàn thiện quy trình nâng cao tỉ lệ thành công đến 53% với 1800 cây dừa Sáp nuôi cấy phôi được xuất vườn.
- Đã hoàn thiện 04 qui trình nhân giống dừa chất lượng cao.  
- Đã được Bộ Khoa học Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia cho cây giống dừa theo quyết định số 464/QĐ-BKHCN ngày 9/3/2018, TCVN 10684-5:2018.
- Năm 2013 – 2015 đã tuyển chọn được 180 cây dừa mẹ (dừa Ta) tại Tiền Giang và Bến Tre có năng suất cao trên 60 quả/cây/năm có khả năng thích nghi với độ mặn trên 8‰, và đã nhân giống được 480 cây dừa để phục vụ cho các thử nghiệm tại các vùng nhiễm mặn cao.
- Năm 2012 – 2014 đã lai tạo được một số giống dừa mới tại một số tỉnh phía Nam từ giống dừa Sáp thơm nhập nội và các giống dừa trong nước, đặc biệt đã tìm ra được quả dừa Sáp có mùi thơm lá dứa. Hiện nay, tiếp tục nhân giống dừa Sáp thơm (F2) bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi để cho ra cây dừa sáp vừa mang tính sáp vừa có mùi thơm dứa.
4. Sản phẩm thương mại – Hợp tác đầu tư
4.1. Giống dừa lai PB 121
- Nhóm thực hiện: Bộ môn Cây dài ngày – Phòng KHKH – Trung tâm TN Đồng Gò – Trung tâm SX Giống Trảng Bàng, Năm: 1999.
- Xuất xứ: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, đề tài Khảo nghiệm khả năng thích nghi giống dừa lai tại một số tỉnh phía Nam.
- PB121 được lai tạo giữa giống dừa Lùn vàng Mã Lai (mẹ) và Cao Tây Phi (cha).
- Chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chủ yếu: Giống dừa lai PB121 ra hoa sớm (2,5 – 3 năm sau khi trồng). Năng suất 100 – 150 quả/cây/năm, hàm lượng dầu cao 68%. Thích hợp vùng đất phù sa nhiễm mặn nhẹ.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội: Tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người trồng dừa, đảm bảo cung cấp nguyên liệu đạt chất lượng cao cho các nhà máy chế biến dừa thông qua việc tăng năng suất quả/cây/năm, đa dạng hoá các sản phẩm từ dừa.
4.2. Giống dừa lai JVA1; JVA2
- Nhóm thực hiện: Bộ môn Cây dài ngày – Phòng KHKH – Trung tâm TN Đồng Gò, Năm: 2003.
- Xuất xứ: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, đề tài Khảo nghiệm khả năng thích nghi giống dừa lai tại một số tỉnh phía Nam.
- Giống dừa lai JVA1: được lai tạo giữa giống dừa Lùn vàng Mã Lai (mẹ) và Cao Hijo (cha).
- Giống dừa lai JVA2: được lai tạo giữa giống dừa Lùn đỏ Mã Lai (mẹ) và Cao Hijo (cha).
- Chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chủ yếu: Sinh trưởng, phát triển mạnh, chu vi gốc lớn, số lá xanh trên cây nhiều (18 – 20 lá, trong khi dừa Ta 12 – 15 lá sau 3 năm trồng), ra hoa sớm (3 năm sau khi trồng, trong khi dừa Ta phải mất 4 -5 năm), năng suất cao 1,5 – 2 lần so với dừa địa phương, hàm lượng dầu cao (65 – 68%). Sự khác nhau cơ bản của 2 giống chủ yếu là màu sắc: giống JVA1 có màu xanh, giống JVA2 có màu đỏ cam.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội: Tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người trồng dừa thông qua việc tăng năng suất quả/cây/năm, đa dạng hoá các sản phẩm từ dừa.
4.3. Giống dừa Dứa
- Nhóm thực hiện: Bộ môn Cây dài ngày – Phòng KHKH – Trung tâm TN Đồng Gò – Trung tâm SX Giống Trảng Bàng, Năm: 2003 – 2012.
- Xuất xứ: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu.
- Chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chủ yếu: Dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2001 – 2005” đã nhập 12.000 cây dừa Dứa (tương đương 70 ha) và cung cấp cho 13 tỉnh thành phía Nam. Dừa Dứa thuộc nhóm dừa lùn, tự thụ phấn, ra hoa sớm 2,5 năm sau khi trồng. Cơm và nước dừa có mùi thơm đặc trưng. Năng suất 80 – 100 quả/cây/năm. Thích hợp ở những vùng đất phù sa, nước ngọt.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội: Đa dạng giống dừa Việt Nam, phục vụ cho giải khát và du lịch. Gia tăng thu nhập cho người nông dân thông qua việc cải tạo giống, nâng cao chất lượng giống.
4.4. Giống dừa địa phương Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo, Sáp
- Nhóm thực hiện: Bộ môn Cây có dầu dài ngày, Năm: 2002 – 2016
- Xuất xứ: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu
- Giống dừa địa phương Ta, Dâu (sử dụng cho mục đích lấy dầu và các sản phẩm chế biến và giống dừa Xiêm, Ẻo, Sáp (sử dụng cho mục đích giải khát và du lịch). 
- Chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chủ yếu: Dừa Ta, Dâu năng suất 80 quả/cây/năm, hàm lượng dầu > 65%; dừa Xiêm năng suất 120 - 150 quả/cây/năm, nước ngọt (độ Brix 7 – 9%); dừa Ẻo năng suất 250 - 300 quả/cây/năm, nước ngọt (độ Brix 7 – 7,5%).
- Hiệu quả kinh tế - xã hội: Đa dạng giống dừa Việt Nam, phục vụ cho công nghiệp chế biến dầu, giải khát và du lịch. Gia tăng thu nhập cho người nông dân thông qua việc cải tạo giống, nâng cao chất lượng giống.
4.5. Giống dừa Sáp nuôi cấy phôi
- Nhóm thực hiện: Bộ môn Cây dài ngày – BM CNSH - Phòng KHKH – Trung tâm Dừa Đồng Gò – Trung tâm SX Giống Trảng Bàng, Năm: 2001 – 2015.
- Xuất xứ: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu
- Chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chủ yếu: Dự án “Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2011 – 2015” đã áp dụng qui trình công nghệ nuôi cấy phôi ở giai đoạn phòng thí nghiệm và vườn ươm nhằm gia tăng tỷ lệ thành công qui trình đạt 53%, thời gian phát triển hoàn thiện từ phôi thành cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn là 13 tháng. Dừa Sáp nuôi cấy phôi trong thời kỳ cho quả với tỷ lệ quả dừa sáp đạt >80%.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội: Với ước tính hiệu quả kinh tế của giống dừa Sáp nuôi cấy phôi đạt gấp 4 lần so với giống dừa Sáp thường và gấp 8 lần so với các giống dừa Ta, Dâu.
4.6. Hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ
- Chọn lọc và lai tạo các giống cây có dầu dài ngày: dừa, cọ dầu, điều, thầu dầu năng suất cao, chất lượng tốt sử dụng cho công nghiệp thực phẩm và nhiên liệu sinh học (biodiesel).
- Xây dựng qui trình thâm canh (giống, phân bón, bảo vệ thực vật) các giống cây có dầu dài ngày: dừa, cọ dầu, điều, thầu dầu trên các vùng đất khác nhau.
- Xây dựng vườn ươm các giống cây có dầu dài ngày và cây ăn quả trồng xen trong vườn dừa.
- Cung cấp các giống cây có dầu dài ngày: dừa, cọ dầu, điều, thầu dầu và cây ăn quả trồng xen trong vườn dừa năng suất cao chất lượng tốt.
- Tổ chức các hoạt động dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thực nghiệm, sản xuất kinh doanh các lĩnh vực cây có dầu dài ngày nêu trên.
- Đào tạo, thông tin, tư vấn, bồi dưỡng cán bộ (kỹ thuật, khuyến nông, nông dân) trên đối tượng cây có dầu dài ngày.
5. Hình ảnh
Các giai đoạn phát triển của dừa Sáp nuôi cấy phôi

Các giống dừa


 
Go to Top