Chi tiết

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đẩy mạnh thương mại hóa, đa dạng sản phẩm nghiên cứu

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ đầu ngành của Bộ Công Thương trong lĩnh vực dầu và cây có dầu. Với việc triển khai hiệu quả nhiều đề tài, dự án, Viện đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sản xuất ngành dầu thực vật và ngành nông nghiệp Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển các quy trình công nghệ liên quan đến dầu và cây có dầu. Viện đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Công Thương; Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua của Bộ Công Thương…
Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương đã có trao đổi với TS. Lê Công Nông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu để tìm hiểu chi tiết hơn về những thành tựu KHCN Viện đã đạt được trong thời gian qua.
PV: Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và kết quả đầu ra về công nghệ của Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu có giá trị thực tiễn và được đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các kết quả KHCN nổi bật mà Viện đã đạt được trong thời gian qua?
TS. Lê Công Nông: 
Từ năm 2015 đến nay, Viện đã thực hiện 42 đề tài, dự án cấp Nhà nước và cấp Bộ. Ngoài ra, Viện đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu với các địa phương, đơn vị như: Sở Khoa học & Công nghệ các tỉnh: Đồng Tháp, Bình Thuận, Trà Vinh, Tp HCM; Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, Trường Đại học Quốc tế, nhiệm vụ HTQT với các nước: Ấn Độ, Anh, Hoa Kỳ, Đức, Úc, Hàn Quốc. Viện cũng đã và đang thực hiện các nhiệm vụ quỹ gen: Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu; Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật có dầu và Thu thập, đánh giá nguồn gen cây nguyên liệu dầu từ năm 2015 đến nay.
Kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án thực hiện trong nhiều năm qua, đã giúp Viện cung cấp ra thị trường hàng trăm ngàn cây dừa giống các loại; hàng trăm tấn giống lạc, vừng; dầu dừa tinh khiết VCO đã đạt giải nhì VIFOTEC; dầu vừng tươi; tinh dầu thiên nhiên các loại và quy trình công nghệ nhân giống, chăm sóc cây có dầu và chế biến các sản phẩm từ cây có dầu.
Về kết quả hoạt động theo chức năng, Viện đã xây dựng được Bộ tiêu chuẩn ngành cho cây giống dừa thuộc 3 nhóm dừa cao, dừa lùn, dừa lai, đã được thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia, nhằm giúp Nhà nước từng bước quản lý chất lượng giống dừa sản xuất trong nước. Thông qua các kết quả nghiên cứu của Viện, 4 giống dừa: dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Ẻo đã được đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
Trung tâm Phân tích và Kiểm định IOOP của Viện đã được Văn phòng công nhận chất lượng BoA của Bộ KHCN cấp chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017. Trung tâm thường xuyên thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực kiểm tra, kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm đối với dầu thực vật, nguyên liệu dầu thực vật, hương liệu, các sản phẩm từ dầu và các sản phẩm thực phẩm.
Về kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và các ứng dụng, Viện đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm trong chế biến các sản phẩm từ cây có dầu, tinh dầu và các phụ phẩm của công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị tăng thêm của các cây có dầu, tinh dầu. Đồng thời, cũng tìm kiếm các nguồn nguyên liệu dầu mới.
Các đề tài/dự án tiêu biểu đã được triển khai như: Ứng dụng công nghệ sinh học và phát triển công nghệ mới (enzyme, ép lạnh, trích ly bằng dung môi CO2 siêu tới hạn) trong sản xuất các loại dầu có giá trị kinh tế cao, tiềm năng phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm; Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ trong sản xuất các sản phẩm chế biến từ dầu và nguyên liệu cây có dầu phục vụ công nghiệp thực phẩm; Nghiên cứu tận dụng phụ phẩm của công nghệ sau thu hoạch từ các cây có dầu sản xuất các sản phẩm mới phục vụ công nghiệp chế biến và sản xuất;… Từ những kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu này, Viện đã mạnh dạn sản xuất thử nghiệm các loại dầu dừa tinh khiết VCO; dầu vừng; dầu hạt thanh long; nước dừa tươi đóng chai bằng công nghệ lọc màng; các sản phẩm như rượu, đường, siro từ mật hoa dừa; bột sữa dừa Sáp; Galactomannan từ dừa Sáp; tinh dầu thiên nhiên như: chúc, bưởi, cam, chanh, sả, quế... và đã phối hợp với doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm.
Viện cũng đẩy mạnh nghiên cứu tuyển chọn giống cây có dầu, gồm các giống dừa, lạc, vừng, đậu tương, hướng dương, cây cải dầu, cây dầu mè… Bảo tồn và lưu giữ tập đoàn 51 giống dừa, bao gồm các giống dừa có nguồn gốc trong nước và nhập nội, trong đó có nhiều giống dừa quý, hiếm như Sáp, Dứa.
Không chỉ vậy, thông qua các đề tài cấp Bộ; cấp Nhà nước và các chương trình Hợp tác quốc tế, Viện đã xây dựng các quy trình nhân giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, quy trình nhân giống dừa có nguồn gen quý (Sáp, Dứa, Ta, Xiêm); Quy trình kỹ thuật thụ phấn trợ lực cho dừa; Quy trình kỹ thuật trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa; Ứng dụng biện pháp sinh học nuôi ong ký sinh để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa v.v…
Ngoài ra, cũng đã nghiên cứu thành công một số quy trình công nghệ chế biến như: sản phẩm phân bón hữu cơ từ bã thải vỏ ca cao; công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh cố định đạm; sản xuất thử nghiệm chế phẩm chất tiền sinh (prebiotic) từ phụ phẩm bã cơm dừa để dùng làm thức ăn trong chăn nuôi; công nghệ bảo quản quả dừa tươi phục vụ xuất khẩu; công nghệ chế biến sữa giàu hoạt tính sinh học từ hạt bí ngô; quy trình sản xuất màng mỏng BC từ nước dừa già; quy trình chế biến bột sữa Dừa Sáp; quy trình chiết tách Galactomannan từ Dừa Sáp; các công nghệ chế biến dầu: dầu dừa tinh khiết VCO; các sản phẩm như rượu, đường, siro từ mật hoa dừa; dầu cám gạo; dầu vừng tươi; dầu hạt thanh long; dầu hạt chùm ngây; dầu hạt dưa hấu; dầu hạt mắc ca… và các loại tinh dầu thiên nhiên như: Chúc, tràm trà, bưởi, sả, cam, chanh, quế... có thể chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu. Hai loại phân bón hữu cơ: IOOP-1, IOOP-2 do Viện nghiên cứu cũng đã được Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ NN&PTNT công nhận và cho phép lưu hành tại Việt Nam.
PV: Vậy các kết quả nghiên cứu nêu trên đã được ứng dụng, thương mại hóa như thế nào và hiệu quả mang lại là gì? 
TS. Lê Công Nông: 
Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu là chủ trương lớn của Viện nhằm đưa nhanh kết quả vào sản xuất đồng thời mang lại nguồn thu cho Viện và cải thiện thu nhập cho tác giả.
Trong năm 05 năm qua, có 09 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học có sản phẩm được thương mại hóa như: sản phẩm dầu hạt thanh long, dầu vừng, đã chào bán và đang cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam giống dừa Sáp nuôi cấy phôi (NCP) và chuyển giao công nghệ trồng dừa Sáp NCP cho Sở KHCN tỉnh Trà Vinh; chuyển giao 2 giống vừng, 2 quy trình canh tác, 3 mô hình tại các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Tân Hồng cho Sở KHCN Đồng Tháp. Chọn ra 1 giống lạc mới chuyển giao cho Viện Di truyền Nông nghiệp; 03 giống lạc có năng suất cao, chất lượng tốt, các biện pháp kỹ thuật và 6 mô hình cho Sở KHCN Bình Thuận để đưa vào sản xuất.
Nhiều giống cây có dầu đã được công nhận giống quốc gia, phổ biến cho sản xuất và Viện đã sản xuất giống phục vụ kịp thời nhu cầu giống mới cho sản xuất như: giống lạc VD1, VD2, VD5, VD6, VD7, VD8; giống vừng V6, VDM34, VDM3, V36, V10; giống đậu tương: VDN1, VDN3, VDT7; các giống dừa lai PB121, JVA1, JVA2, dừa Ta, dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Ẻo, dừa Dứa và dừa Sáp; giống Hướng dương Hysun 38; giống cải dầu 07821-1RA và Hyola.
Viện đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex) thực hiện chương trình đào tạo và tư vấn về trồng dừa, xây dựng mô hình giống mới nhằm giúp Công ty hoàn chỉnh phương án sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết khép kín từ nguyên liệu đến chế biến phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Hợp tác với Công ty CP Đầu tư Xuất Nhập Khẩu TTP về phân phối sản phẩm tinh dầu. Nhờ vậy, các sản phẩm KH&CN như: dầu dừa tinh khiết; dầu vừng chất lượng cao; rượu cao độ, rượu vang, nước giải khát, đường và siro từ mật hoa dừa; tinh dầu thiên nhiên, các sản phẩm tinh dầu xông, dầu massage có chất lượng cao, không sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường và các sản phẩm từ thiên nhiên khác đã được Viện chuyển giao.
Viện đã thành lập được hai showroom để giới thiệu các thành tựu nghiên cứu và trưng bày sản phẩm chế biến từ cây có dầu, tinh dầu các loại tại 171 Hàm Nghi, Quận 1, TP.HCM và 96 Lý Tự Trọng, TP Vũng Tàu nhằm phục vụ nhu cầu xã hội và giới thiệu đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp, để chuyển giao nhanh các sản phẩm nghiên cứu khoa học và phục vụ nhu cầu thị trường, bước đầu đã đóng góp không nhỏ vào nguồn thu của Viện.
Việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong chiết tách dầu như công nghệ ép nguội, trích ly bằng dung môi CO2 siêu tới hạn hoặc dùng enzyme, sóng siêu âm hỗ trợ quá trình ép nhằm tạo ra các sản phẩm dầu chất lượng cao, các dòng sản phẩm dầu thực vật mới như dầu dừa VCO, dầu vừng tươi, dầu hạt chùm ngây, dầu hạt thanh long, dầu hạt dưa hấu... Đây là những loại dầu có tiềm năng làm dầu thực phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, có lợi cho sức khỏe vì có nhiều hợp chất chống oxy hóa, hoạt tính sinh học và hàm lượng axít béo không no cao. Nhờ vậy, những sản phẩm này ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Một số nghiên cứu tận dụng các phụ phẩm của công nghệ sau thu hoạch của Viện như tận dụng bã thải quả thanh long, hạt jatropha và vỏ quả ca cao… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh mới phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời góp phần giải quyết tốt vấn đề bã thải gây ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường có thể chuyển giao cho sản xuất.
Về hiệu quả KH&CN, thông qua triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, Viện đã chọn tạo được nhiều giống cây có dầu mới, xây dựng nhiều mô hình, tạo ra nhiều chế phẩm, quy trình kỹ thuật được ứng dụng đem lại hiệu quả cao, có ý nghĩa thiết thực, gắn ứng dụng KHCN với bảo vệ môi trường và sản xuất hàng hóa.
Công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp nước ta, góp phần xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả cao. Trong thời gian qua, Viện đã triển khai một số nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sinh học trong công tác cải thiện giống cây trồng và đã đạt được một số thành tựu quan trọng như: đã xây dựng được nhiều quy trình nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro cho nhiều giống dừa có giá trị kinh tế cao, quý hiếm như: dừa Dứa, dừa Sáp, dừa Sáp thơm...góp phần nhân nhanh giống tốt, sạch bệnh kịp thời phục vụ nhu cầu của sản xuất.
Viện đã từng bước hoàn thiện các kỹ thuật lai tạo, nhân giống, trồng xen và các tiến bộ kỹ thuật khác trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp dầu thực vật, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
PV: Những khó khăn Viện gặp phải trong quá trình nghiên cứu và triển khai thương mại hóa sản phẩm là gì? Động lực nào đã thúc đẩy các cán bộ của Viện trong quá trình thực hiện nghiên cứu?
TS. Lê Công Nông: 
Hoạt động của Viện chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, đối tượng phục vụ của Viện là tam nông có thu nhập thấp. Vì vậy các kết quả nghiên cứu của Viện thường không thể bán hoặc chuyển giao mà chủ yếu phục vụ sản xuất. Hơn nữa, đối tượng nghiên cứu chính của Viện là các loại cây có dầu nên rất khó tìm các nguồn đầu tư của tư nhân vào nghiên cứu phát triển. Vì vậy, việc bổ sung kinh phí hoạt động từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và chuyển giao công nghệ vẫn còn hạn chế, thu nhập của CBCNV còn thấp.
Ngoài ra, tiềm lực để phát triển bền vững của Viện còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ khoa học còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng về chủng loại, chất lượng, làm hạn chế việc tiếp nhận, nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ mới để phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu xã hội đang phát triển và hội nhập quốc tế. Mặt khác nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao của Viện còn hạn chế, do thu nhập thấp nên khó tuyển dụng được nhân tài.
Trình độ công nghệ của VN nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành sản xuất cây có dầu nói riêng còn ở mức trung bình thấp so với các nước phát triển, nên việc tạo được các giống cây có dầu năng suất và hàm lượng dầu cao, đặc hữu để phát triển vùng nguyên liệu ở quy mô lớn là vô cùng khó khăn khi phải cạnh tranh với các loại nguyên liệu nhập khẩu (nhất là các sản phẩm biến đổi gen GMO) từ các quốc gia tiên tiến về chất lượng, giá thành và quy mô cung cấp ổn định. Đây là bức xúc của nông dân và người quản lý, là thách thức không nhỏ và lâu dài của ngành dầu thực vật Việt Nam về nguyên liệu sản xuất trong nước.
Tuy gặp một số khó khăn như vậy, nhưng động lực thúc đẩy Viện tiếp tục triển khai nghiên cứu đó là Viện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và các Vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương, các địa phương trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Viện đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu chính sách, quy hoạch và nghiên cứu phát triển ngành dầu thực vật, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu các loại cây có dầu và công nghệ chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ cây có dầu, cùng với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn, có tâm huyết và đoàn kết, gắn bó với Viện cùng thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh... góp phần thúc đẩy sản xuất ngành dầu thực vật và ngành công nông nghiệp Việt Nam.
Nhận biết được khó khăn của ngành dầu thực vật không phải là đầu tư thêm nhà máy sản xuất mà cái khó là xây dựng vùng nguyên liệu. Vì vậy, với vị thế là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu về cây có dầu, đội ngũ cán bộ của Viện cần nỗ lực hơn nữa để có nhiều kết quả nghiên cứu về giống và kỹ thuật canh tác, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ cây có dầu từ đó từng bước phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho cây có dầu, góp phần phát triển mạnh và bền vững ngành dầu thực vật Việt Nam.
PV: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã và đang từng bước khẳng định vị thế, uy tín trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển các quy trình công nghệ, cung cấp dịch vụ khoa học và thương mại hóa sản phẩm liên quan đến dầu và cây có dầu. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển, nghiên cứu của Viện trong thời gian tới?
TS. Lê Công Nông: 
Viện đã tập trung Xây dựng chiến lược phát triển Viện giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2035 chú trọng vào các nội dung sau:
- Về tổ chức bộ máy: Củng cố, kiện toàn và phát triển Viện Nghiên cứu dầu và Cây có dầu và các đơn vị trực thuộc có cơ cấu tổ chức hợp lý, khoa học, tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả, phù hợp với xu hướng hội nhập và thông lệ quốc tế, phát huy hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu.
- Về đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực:
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút được các nhà khoa học giỏi, các chuyên gia đầu ngành hợp tác nghiên cứu, làm việc cho Viện, đặc biệt trong lĩnh vực hóa, chế biến các sản phẩm từ cây có dầu, đảm bảo đến hết năm 2025 có đủ nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược khoa học công nghệ của Viện; 
Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện có (Nhà xưởng/Phòng thí nghiệm/Trung tâm nghiên cứu công nghệ và sản xuất giống/Dây chuyền công nghệ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao...), từng bước đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, tiên tiến và hiện đại cho Trung tâm Phân tích Kiểm định và Chuyển giao công nghệ. 
- Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác Quốc tế, nghiên cứu tiếp cận, phát triển và làm chủ các công nghệ mới: công nghệ sinh học (công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ enzyme - protein và công nghệ vi sinh), công nghệ nano để chọn tạo giống cây có dầu mới, hàm lượng dầu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sản xuất một số chế phẩm sinh học phù hợp với sinh trưởng, phát triển cây có dầu và bảo quản nguyên liệu cây có dầu; chế biến sâu một số sản phẩm từ cây có dầu và công nghệ sau chế biến dầu thực vật để khai thác tối đa và nâng cao giá trị kinh tế từ nguồn nguyên liệu dầu thực vật của Việt Nam.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh - sạch và thân thiện với môi trường trong chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ cây có dầu, cây tinh dầu. Nghiên cứu về chất lượng sản phẩm và các biện pháp hiệu quả để kiểm soát và xử lý ô nhiễm do các loại chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn…) của quá trình sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng ưu thế lai, công nghệ nuôi cấy mô tế bào, nuôi cấy phôi, công nghệ chuyển gen, công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây có dầu có năng suất cao, phẩm chất tốt, thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau.
Đẩy mạnh hợp tác đã có với các trường Đại học: Nông Lâm TPHCM, Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Quốc tế…, các Viện Nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Công Thương và các Bộ khác, với doanh nghiệp, tập đoàn chế biến để nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu và nghiên cứu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao từ cây có dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mở rộng HTQT với các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật bản, Đài Loan, Úc, Đức; phối hợp nghiên cứu nhằm đưa ra các sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. 
- Tổ chức hoạt động sản xuất-kinh doanh các sản phẩm KHCN. Nghiên cứu, hợp tác sản xuất các sản phẩm dầu thực vật, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu omega 3,6,9, có dược chất và có hoạt tính sinh học tốt dùng để sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng, dược phẩm, mỹ phẩm; sản xuất các loại giống cây có dầu mới có năng suất và hàm lượng dầu cao, phẩm chất tốt, thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của cây có dầu, hạn chế sử dụng thuốc hóa học làm ô nhiễm môi trường.
- Về dịch vụ khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hoạt động và nâng cao năng lực của Trung tâm Phân tích và Kiểm định, từng bước phục vụ tốt công tác kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm ngành Công Thương và ngành dầu thực vật. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phân tích, giám định, kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đánh giá chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP theo yêu cầu của khách hàng và yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, nhằm tạo nguồn thu bổ sung cho hoạt động của Viện. Tham gia xây dựng các bộ tiêu chuẩn TCVN, mạng lưới kiểm định chất lượng cho các sản phẩm ngành dầu và ATVSTP ngành Công Thương.
Triển khai các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân kỹ thuật để giới thiệu và cung cấp nhân lực có chuyên môn cao cho các doanh nghiệp và khu công nghiệp. Thực hiện các dịch vụ tập huấn kỹ thuật và phổ biến kinh nghiệm về sản xuất, canh tác các giống cây có dầu mới, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phẩm từ cây có dầu và sản phẩm phụ từ công nghiệp chế biến dầu thực vật, góp phần phát triển nhanh và hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t10999/vien-nghien-cuu-dau-va-cay-co-dau-day-manh-thuong-mai-hoa-da-dang-san-pham-nghien-cuu.html
Go to Top