Chi tiết

Xác định chỉ tiêu chất lượng của dầu Mắc ca

TÓM TẮT
Mục đích của nghiên cứu này là xác định các chỉ tiêu chất lượng của dầu mắc ca được khai thác bằng phương pháp thủy phân enzyme.Sử dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2625: 2007 (ISO 5555:2001) đã xác định được chỉ số acid của dầu mắc ca là 1,78 mgKOH/g, chỉ số xà phòng 188,9 mgKOH/g, chỉ số iod 77,1 gI2/100g, chỉ số peroxyd 0,92 meq/kg, chỉ số khúc xạ ở 40oC là 1,4594. Bằng phương pháp GC-MSđã xác định được 10 acid béo trong dầu mắc ca, trong đó tổng các acid béo không no có một nối đôi chiếm 75,39% và tổng các acid béo không no có nhiều nối đôi chiếm 5,71% và tổng các acid béo no chiếm 18,89%. Dầu mắc ca có màu vàng rơm, trong suốt, sánh và có mùi thơm đặc trưng.
1. MỞ ĐẦU
Cây mắc ca được đưa vào trồng ở nước ta từ năm 1994, đến nay Việt Nam là nước đứng thứ 11 trong 17 nước có diện tích cây mắc ca lớn nhất trên thế giới. Nước ta đang đẩy mạnh trồng cây mắc ca ở một số vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc với diện tích trồng cây mắc ca ngày càng được mở rộng [1].Trong hạt mắc ca có nhiều thành phần dinh dưỡng như protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng, đặc biệt là hàm lượng lipid [2, 3].Hạt mắc ca giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào với hàm lượng calo cao gấp đôi so với các loại hạt khác. Nhân mắc ca có tác dụng tốt cho sức khỏe như tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng bệnh tiểu đường, tác dụng làm đẹp da, tác dụng chống oxy hóa [3]. Tuy nhiên cho đến thời điểm này ở Việt Nam rất ít các công trình nghiên cứu về chế biến quả mắc ca, đặc biệt là dầu mắc ca. Vì vậy việc xác định các chỉ tiêu chất lượng của dầu mắc ca, góp phần cung cấp nguồn tư liệu về dầu mắc ca ở nước ta.
2. NGUYÊN VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nguyên vật liệu
Dầu mắc ca được khai thác từ hạt mắc ca (giống OC, giống 246 Keauhou, giống 816 và giống 846) trồng tại tỉnh Sơn La bằng phương pháp thủy phân enzyme [4]. Các vật liệu hóa chất sử dụng trong nghiên cứu như nước cất, ete etylic, KOH, Na2S2O3, K2Cr2O7, KI...
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp xác định hàm lượng lipid trong nhân mắc ca
Hàm lượng lipid trong nhân mắc ca được xác định theo phương pháp Soxhlet. Nguyên lý là dựa vào tính tan hoàn toàn của lipid trong dung môi hữu cơ. Dùng dung môi hữu cơ để trích ly lipid có trong nhân mắc ca, sau đó làm bay hơi hết dung môi hữu cơ, lipid còn lại đem cân, tính ra hàm lượng lipid trong nhân mắc ca [5].
Hàm lượng lipid được tính theo công thức: . Trong đó m1 là khối lượng của cốc (g), m2 là khối lượng của cốc và khối lượng của lipid sau khi sấy (g), G là khối lượng của mẫu (g).
2.2.2. Phương pháp xác định các chỉ số hóa lý của dầu mắc ca
Các chỉ số hóa lý của dầu mắc ca được xác định theo Tiểu chuẩn Việt Nam TCVN 2625:2007 (ISO 5555:2001), cụ thể như sau: Độ ẩm xác định theo phương pháp AOCS Ca 2c-25; chỉ số acid xác định theo phương pháp AOCS Cd 3d-63; chỉ xà phòng hóa xác định theo phương pháp AOCS Cd 3-25; chỉ số iod xác định theo phương pháp AOCS Cd 1-25; chỉ số peroxyd xác định theo phương pháp AOCS Cd 8-53; chỉ số khúc xạ ở 40oC xác định theo phương pháp AOCS Cc 7-25; hàm lượng xà phòng xác định theo phương pháp AOCS Cc 17-95 và tạp chất xác định theo phương pháp AOCS Ca 3a-46 [6].
2.2.3. Phương pháp xác định các acid béo trong dầu mắc ca
Acid béo trong dầu mắc ca được xác địnhbằng máy sắc ký khí GC6890-MS5898, cột mao quản HT-5MS. Thí nghiệm được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu. Điều kiện thực hiện như sau:Thể tích mẫu bơm 1ml. Nhiệt độ cột 80-180oC, tốc độ tăng nhiệt 3oC/phút, giữ  ở 5 phút và 180- 220oC tốc độ tăng nhiệt 8oC/phút, giữ ở 5 phút. Điều kiện MS:ion hóamẫu ở thế ion hóa70ev, nhiệt độ duy trì250oC, khí mang là heli tốc độ 1,0 ml/phút, tốc độ chia dòng 1:50 [7].
2.2.4. Phương pháp xác định các chỉ tiêu cảm quan của dầu mắc ca
Các chỉ tiêu cảm quan của dầu mắc ca được xác định theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2627:1993. Xác định màu sắc của dầu mắc ca bằng cách rót dầu vào cốc thủy tinh (đường kính 50mm, cao 100mm), chiều cao của lớp dầu không thấp hơn 50mm, quan sát trên nền trắng. Để xác định mùi của dầu mắc ca, phết một lớp dầu mỏng lên mặt kính hoặc xoa vào lòng bàn tay rồi tiến hành ngửi để đánh giá. Vị của dầu mắc ca được thực hiện bằng cách nếm thử.Độ trong của dầu mắc ca được xác định bằng cách rót 100ml dầu vào ống thủy tinh không màu (đường kính 30mm) và để yên ở nhiệt độ 20oC trong 24 giờ, quan sát dầu để lắng yên với ánh sáng phản chiếu trên nền trắng [8].
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Hàm lượng lipid của các giống mắc ca
Tiến hành khảo sát hàm lượng lipid của 04 giống mắc ca (giống OC, giống 246 Keauhou, giống 816 và giống 846) trồng tại tỉnh Sơn La, ở thời điểm thu hoạch 215 ngày (kể từ khi đậu quả). Kết quả hàm lượng lipid của các giống mắc ca được thể hiện ở bảng 3.1. 
Dựa vào bảng 3.1 cho thấy ở cùng thời điểm thu hoạch là 215 ngày (kể từ khi đậu quả), các giống mắc ca khác nhau cho hàm lượng lipid cũng khác nhau. Cả 04 giống mắc ca này đều cho hàm lượng lipid trên 70%, cụ thể là giống 246 (Keauhou) cho hàm lượng lipid cao nhất là 78,2% và thấp nhất là giống OC cho hàm lượng lipid là 76,3%. Vậy với mục tiêu là khai thác và thu hồi dầu mắc ca, chọn giống 246 (Keauhou) để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.
3.2. Chỉ tiêu hóa lý của dầu mắc ca
Xác định các chỉ số hóa lý là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng của dầu mắc ca. Dựa vào các chỉ số hóa lý này để làm cơ sở đánh giá chất lượng của dầu mắc ca. Kết quả xác định chỉ số hóa lý của dầu mắc ca được thể hiện ở bảng 3.2.
Kết quả nghiên cứu trong bảng 3.2 cho thấy độ ẩm trong dầu mắc ca rất thấp, chỉ số acid trong dầu mắc ca là 1,78 (mgKOH/g). Chỉ số xà phòng trong dầu mắc ca cao, cụ thể là 188,9 (mgKOH/g), qua đó cho thấy khối lượng phân tử trung bình của acid nhỏ, chứng tỏ trong dầu mắc ca có chứa nhiều acid béo không no. Chỉ số iod trong dầu mắc ca chiếm tỷ lệ cao, cụ thể là 77,1 (g I2/100g), qua đó cũng cho thấy trong dầu mắc ca chứa nhiều acid béo không no, dầu ở thể lỏng và dễ bị oxy hóa. Chỉ số peroxyd trong dầu mắc ca là 0,92 (meq/kg) thấp hơn so với tiêu chuẩn, kết quả chỉ ra rằng dầu mắc ca vẫn còn tươi mới. Hàm lượng các tạp chất trong dầu mắc ca chiếm 0,01% thấp hơn so với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia đối với dầu thực vật.
3.2. Thành phần các acid béo trong dầu mắc ca
Việc xác định thành phần các acid béo trong dầu là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng của dầu mắc ca. Sử dụng phương pháp GC-MS đã xác định được 10 acid béo trong dầu mắc ca. Kết quả được thể hiện ở bảng 3.3.
Kết quả nghiên cứu trong bảng 3.3 cho thấy đã xác định được 10 acid béo trong dầu mắc ca, trong đó tổng các acid béo không no có một nối đôi chiếm 75,39% và tổng các acid béo không no có nhiều nối đôi chiếm 5,71% và tổng các acid béo no chiếm 18,89%. Đặc biệt trong dầu mắc ca có chứa acid béo không no oleic chiếm tới 64,23%; acid béo không no palmitoleic chiếm 11,16% và acid béo không no linoleic chiếm 2,90% là những acid béo không no có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. So với dầu lạc, dầu đậu tương, dầu vừng, dầu hướng dương thì dầu mắc ca có hàm lượng acid béo không no oleic cao hơn.
3.3. Chỉ tiêu cảm quan của dầu mắc ca
Chỉ tiêu cảm quan của dầu mắc ca, được thể hiện bằng màu sắc, mùi, vị, độ trong của dầu. Kết quả xác định chỉ tiêu cảm quan của dầu mắc ca được thể hiện ở bảng 3.4.
Kết quả xác định chỉ tiêu cảm quan của dầu mắc ca cho thấy, dầu có màu vàng rơm, mùi thơm đặc trưng, vị béo bùi, trạng thái trong suốt. Không lẫn các tạp chất, không bị vẩn đục và không bị kết tủa.  
4. KẾT LUẬN
Đã xác định được hàm lượng lipid trong nhân mắc ca giống 246 (Keauhou) là 78,2%, chỉ số acid của dầu mắc ca là 1,78 mgKOH/g, chỉ số xà phòng 188,9 mgKOH/g, chỉ số iod 77,1 g I2/100g, chỉ số peroxyd 0,92 meq/kg, chỉ số khúc xạ ở 40oC là 1,4594. Bằng phương pháp GC-MS đã xác định được 10 acid béo trong dầu mắc ca, trong đó tổng các acid béo không no có một nối đôi chiếm 75,39% và tổng các acid béo không no có nhiều nối đôi chiếm 5,71% và tổng các acid béo no chiếm 18,89%. Một số acid béo không no chiếm tỷ lệ cao như acid oleic 64,23%, acid palmitoleic 11,16% và acid linoleic 2,90%. Dầu mắc ca có màu vàng rơm, trong suốt, sánh và có mùi thơm đặc trưng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Hoàng Hòe (2015). Ngành công nghiệp Mắc ca trên thế giới và những bài học cho Việt Nam.Nhà xuất bản Nông nghiệp, 7-10.
2.Nguyễn Văn Lợi (2016). Xác định thành phần hóa học của quả mắc ca thu hoạch ở các thời điểm khác nhau. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 22, 78-82.
3.Grimwood. B. E (1971). The processing of macadamia nuts.American Journal of Botany95, 84- 89.
4.NguyễnVăn Lợi, Bùi Thanh Bình, Bùi Xuân Đông (2017). Tối ưu hóa quá trình tách dầu mắc ca bằng phương pháp thủy phân enzyme.Tạp chí Hóa học, 55(4E23), 250-255.
5.Trần Thị Thanh Huyền, Cao Phi Bằng (2014). Xác định hàm lượng lipid, chất khoáng, acid béo và các chỉ số hóa sinh trong hạt vừng (Sesamum indincum L).Tạp chí Khoa học và Phát triển, 12(7), 1029-1033.
6.Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2625: 2007 (ISO 5555: 2001). Dầu mỡ động vật và thực vật- Lấy mẫu, 1-20.
7.Phạm Thị Kim Trang, Nguyễn Xuân Dũng, Lê Thanh Hải (1998). Sử dụng sắc ký khí mao quản để xác định thành phần các acid béo trong dầu thực vật.Tạp chí phân tích Hóa, Lý và Sinh học, 3(2), 6-11.
8.Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2627: 1993. Dầu thực vật- Phương pháp xác định màu sắc, mùi và độ trong, 1-5.
Nguyễn Văn Lợi
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Nguồn: https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t3161/xac-dinh-chi-tieu-chat-luong-cua-dau-mac-ca.htm
Go to Top