Chi tiết

Sáng kiến của người nông dân Hà Tùng Phương trong phòng trừ sâu đầu đen

Khống chế sự phát triển của sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa, giữ vững năng suất cây trồng, giảm tác hại của sâu từ 80% - 90%... đó là hiệu quả từ cách làm của người nông dân Hà Tùng Phương, ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định.
Ông Hà Tùng Phương, ấp Hữu Nhơn; xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre hiện có 8.000 mét vuông đất trồng dừa xiêm xanh khoảng 7 – 14 năm tuổi. Trung bình 01 năm, ông thu hoạch khoảng 12.000 trái dừa, sau khi trừ đi chi phí, ông mang về lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/năm. Khoảng 4 tháng trở lại đây, ông phát hiện vườn dừa  của mình bị sâu đầu đen tấn công gây hại. Nhờ phòng trừ kịp thời, nên vườn dừa của ông bị ảnh hưởng khoảng 10%, đến nay vườn dừa phát triển tốt. Ông phấn khởi cho biết: “Tôi thấy vườn dừa của mình bị sâu đầu đen gây hại, nên tôi thường xuyên theo dõi. Tôi thấy trên những lá cao nhất thì con sâu bám vào và cuốn lá lại. sau đó nó ăn lá và làm cho lá dừa nó héo và co lại. Lúc đó, tôi nghĩ đến cách nào làm sao cho phòng trừ hiệu quả, nên tôi đã bắt sâu trưởng thành, sâu non đem về để thử thuốc và tìm những điểm mạnh, điểm yếu của sâu để có biện pháp hiệu quả. Vì thế, tôi thấy, nếu mình động vào sâu thì nó sẽ nhả tơ và sau đó nó sẽ cuốn trở lại lá. Nên tôi nghĩ ngay đến biện pháp dùng nước để cắt đường tơ và tôi bắt con sâu để bỏ vô keo để tôi nghiên cứu khi con sâu té xuống thì nó có ăn cỏ sống không. Sau quan sát, tôi thấy sâu không ăn cỏ thì đó là tín hiệu đáng mừng. Nghĩ thế, tôi dùng mô tơ 1,5 ngựa và ống nhựa bóp đầu bét lại còn khoảng 14 li thì lúc đó nước bắn ra từ 10 – 15 mét nên tôi xịt vào phía dưới lá. Lực đẩy của nước sẽ làm trôi sâu và những ổ kén của sâu cũng tuột xuống đất, và nó sẽ chết”. 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, với cách dùng lực nước không chỉ sâu rớt xuống đất không có thức ăn và dần chết đi sau 3 – 4 ngày, mà còn giúp vệ sinh sạch lá, lấy nguồn nước đó tưới cho vườn dừa, giúp tiết kiệm được nguồn nước. Bên cạnh thực hiện biện pháp này, ông Phương còn đầu tư khoảng 6 triệu đồng thiết kế máy phun xịt thuốc. Cứ khoảng 10 ngày ông tiến hành phun xịt một lần, mỗi lần phun xịt ông đều áp dụng theo đúng khuyến cáo “4 đúng” của ngành chức năng. Ông Phương chia sẻ: “Con sâu đầu đen không chỉ phòng trừ trong 1 – 2 ngày, vì hiện nay nó chưa có thuốc đặc trị, nên mình phải làm sao giảm công sức lao động và chi phí đầu ra. Nên tôi nghĩ ra cái máy sao cho hiệu quả, nhanh, mạnh, tôi thiết kế ra máy đơn giản gọn nhẹ, chỉ cần một người vận hạnh. Nếu vườn dừa diện tích 8.000 mét vuông đất này của tôi thì chỉ tốn thời gian khoảng 2 ngày. Nếu bà con nào có nhu cầu thì gặp tôi sẽ hướng dẫn, nó rất đơn giản và ít tốn chi phí”. 
Được biết, tại huyện Châu Thành, sâu đầu đen gây hại trên dừa tổng diện tích là  92,8ha, với 156 hộ bị ảnh hưởng tại các xã: Hữu Định, Phước Thạnh, An Hóa, An Khánh, Tam Phước. Trong đó, nông dân phải đốn tiêu hủy 708 cây dừa, diện tích nhiễm nặng 21 ha. Thời gian qua, huyện Châu Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự tác hại của sâu đầu đen và biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa. Đồng thời, phối hợp triển khai quyết liệt, giúp người trồng dừa cơ bản nhận biết sự gây hại của sâu đầu đen đối với cây dừa để người dân có biện pháp phòng trừ như: tập huấn cho người, hướng dẫn biện pháp phòng trừ, khuyến cáo đốn bỏ các cây dừa lão cao khả năng phục hồi kém và tiến hành các biện pháp phòng trừ . Vừa qua, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành đã phối hợp Hội Nông dân huyện và Tiến sĩ Phạm Kim Sơn – Phó Trưởng bộ môn bảo vệ thực vật Trường Đại học Cần Thơ tiến hành khảo sát thực tế, lấy mẫu, nghiên cứu và tiến hành phun thử nghiệm chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen. Qua khi phun xịt, sâu có dấu hiệu yếu, bò ra tổ và chết từ từ. Được biết, đây là chế phẩm sinh học thực vật, không mùi, an toàn cho nông dân, và hiện được huyện Châu Thành tiếp tục theo dõi các vườn dừa sau khi phun xịt để kịp thời khống chế sâu đầu đen lây lan.
Ông Nguyễn Anh Quốc – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Trong thời gian qua, huyện đã phối hợp các ngành chuyên môn tuyên truyền vận động người dân phun xịt  thuốc sinh học. Ngoài ra cũng phới ngành chuyên môn đến từng hộ tuyên truyền theo dõi tình hình dịch hại, đặc biệt là tại vườn dừa. Đối với những vườn dừa thấp, đặc biệt như vườn uống nước, người dân đã thực hiện tương đối tốt, chặn đứng được dịch hại. Riêng những vườn dừa cao, lão thì huyện vận động người dân phun xịt cho tốt. Hiện, huyện đang phối hợp Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh và các Viện, Trường để nghiên cứu phòng trừ bằng dầu sinh học để không ảnh hưởng môi trường và thả ong ký sinh để tiêu diệt sâu đầu đen trong thời gian tới”. 
Sâu đầu đen là đối tượng dịch hại mới xuất hiện tại Việt Nam chưa có quy trình được công nhận để quản lý sâu đầu đen hại dừa, chưa có loại thuốc đặc trị. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ chưa tuân thủ quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Mặt khác, một bộ phận người dân không quan tâm đến công tác phòng trừ, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ thực hiện các biện pháp phòng trừ cho vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại, ngành chức năng tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã, và đang có những động thái tích cực thực hiện công tác quản lý và phòng trừ sâu đầu đen nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nông dân.
 
Nguồn: http://dost-bentre.gov.vn/  
 
Go to Top