Chi tiết

IOOP tham dự Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ 5 năm 2019

Căn cứ thư mời của Ban Tổ chức Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ 5 năm 2019,
- Thời gian : từ ngày 14/11 - 20/11/2019.
- Địa điểm : Thành phố Bến Tre
- Thành phần đoàn :
1. Ông Lê Công Nông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu
2. Ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu
Và lãnh đạo các bộ môn nghiên cứu của Viện cùng tham gia
Tóm tắt nội dung:
1/ Tham dự Khai mạc Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ 5 năm 2019
2/ Tham dự Khai mạc Hội chợ triển lãm – thương mại các sản phẩm Dừa
3/ Tham gia Hội chợ triển lãm – thương mại để giới thiệu các sản phẩm từ kết quả NCKH của Viện
4/ Tham dự Hội thảo: Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu
5/ Tham dự Hội thảo: Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phâm đặc thù tỉnh Bến Tre
6/ Tham dự Hội thảo: Không gian khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo
Đánh giá kết quả Lễ hội/ Hội thảo đem lại:
- Lễ Hội Dừa Bến Tre lần thứ 5 năm 2019 có chủ đề "Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững" nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng, của Việt Nam nói chung với du khách trong nước và quốc tế; tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre. Bên cạnh đó là tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và những cá nhân trong hoạt động kinh tế – xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là nghệ nhân, người thợ, người nông dân đã gắn bó hết mình cho cây dừa, giúp cho các thế hệ hiểu, phát huy các giá trị từ cây dừa mang lại trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cây dừa được xem là hình ảnh quê hương, là biểu tượng văn hóa từ tâm linh đến sinh hoạt đời thường của hàng trăm triệu người dân trên thế giới. Ở nước ta, các tỉnh Nam Bộ chiếm hơn 80% sản lượng dừa của cả nước, với khoảng 150.000 ha, trong đó Bến Tre có hơn 72.000 ha với gần 200.000 hộ trồng dừa, là tỉnh có sản lượng, tiềm năng chế biến xuất khẩu dừa lớn nhất của cả nước. Ông cũng nêu rõ, các bộ, ngành Trung ương cần thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng chuyên canh ở những vùng đất phù hợp, đầu tư nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng về giống, nhất là khâu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến và phát triển thị trường, đề xuất các chính sách phát huy tiềm năng, thế mạnh, khả năng thích ứng cao của cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt để cây dừa xứng danh với tên gọi của cây của sự sống, cây của tương lai.
- Phát biểu tại hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – Nguyễn Hữu Lập, phần định hướng phát triển có đoạn: Đầu tư phát triển Trung tâm Dừa Đồng Gò thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn diện ngành dừa quốc gia có các chức năng: Bảo tồn và lưu trữ nguồn gen; sản xuất và cung cấp giống dừa; nghiên cứu chuyển giao sản phẩm mới từ dừa; xây dựng mô hình vườn dừa hữu cơ mẫu; gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu của Trung tâm với thực nghiệm sản xuất của các doanh nghiệp chế biến dừa trong tỉnh.
- Các hội thảo lần này với sự hiện diện của hơn 30 trường đại học thuộc thành viên Câu lạc bộ Khoa học Công nghệ các Trường Đại học Kỹ thuật trên toàn quốc; 10 tổ chức ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 15 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; 11 lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ khu vực đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các Sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể, hiệp hội địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre  cùng đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, có sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo của tỉnh Bến Tre, lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – Đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo kỳ 55 của Câu lạc bộ và lãnh đạo Câu lạc bộ Khoa học Công nghệ các Trường Đại học Kỹ thuật.
- Nhằm tạo điểm nhấn trực quan, ấn tượng về những thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đã đạt được trong thời gian qua, tại khu vực hội thảo, Ban Tổ chức đã trưng bày 40 gian hàng các sản phẩm khoa học, sản phẩm khởi nghiệp đã được thương mại hóa thành công hoặc đã đoạt được các danh hiệu cao tại các giải thưởng về khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài tỉnh.
- Thông qua hội thảo, cán bộ nghiên cứu tham dự đã học hỏi, giao lưu kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với một số đơn vị. Đồng thời, tiếp thu một số nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất thông qua các bài báo cáo khoa học được trình bày tại các hội thảo.
- Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (IOOP) đã tham gia gian hàng tại Lễ hội Dừa nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật như: Các giống: Dừa (Dứa, Sáp nuôi cấy phôi, Xiêm xanh, Xiêm lục, Xiêm đỏ, Dâu,…) đạt hiệu quả kinh tế cao và đã được đánh giá cao từ các nhà chuyên môn. Các công nghệ: Nuôi cấy phôi dừa sáp; Chế biết rượu cao độ, rượu vang, nước giải khát, đường, siro từ mật hoa dừa; Chế biến dầu mè tươi, dầu chùm ngây, dầu hạt thanh long,… Các sản phẩm: dầu dừa tinh khiết VCO, bột dừa Sáp, dầu dừa Sáp, dầu mè tươi, dầu dưa hấu, các loại tinh dầu (Chanh Thái, Bưởi, Sả, Cam…), các loại rượu từ mật hoa dừa,…







 
Go to Top