Chi tiết

IOOP làm việc, thảo luận hợp tác với Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex)

- Căn cứ nhu cầu thực tế của Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex);
- Mục đích chuyến viếng thăm: Trao đổi, chia sẻ và thảo luận hợp tác về cây dừa như: Giống dừa, kỹ thuật lai tạo, canh tác, vùng trồng và các sản phẩm chế biến từ dừa.
- Thời gian: vào lúc 14 giờ ngày 12/11/2020.
- Địa điểm: phòng họp lầu 3, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu.
- Thành phần đoàn :
+ Phía Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu:
. Ông Lê Công Nông – Viện trưởng
. Bà Thái Nguyễn Quỳnh Thư – Phó Viện trưởng
. Ông Nguyễn Đăng Phú – Nguyên Phó Viện trưởng, Chuyên gia
. Bà Bùi Thanh Bình – Trưởng Bộ môn Công nghệ Dầu béo và Phân tích
. Ông Huỳnh Đình Thạch – Trưởng phòng Kế hoạch - HTQT
. Ông Nguyễn Cao Nguyên – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đầu tư, CGCN&MT
+ Phía Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex)
. Ông Trương Chí Cường – Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu
. Ông Trần Tấn Việt – Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu Mía đường, TTC
. Ông Nguyễn Xuân Lãm, Nguyễn Minh Luân – Nhân viên phòng Phát triển nguyên liệu
Tóm tắt kết quả thảo luận đạt được:
- Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex) là Công ty chuyên về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Với mục tiêu trở thành một công ty có nội lực và vị thế lớn mạnh trong ngành dừa Việt Nam, có các sản phẩm chất lượng tốt cho người tiêu dùng, chung tay chia sẻ với nông dân trồng dừa và đồng hành với sự phát triển kinh tế xã hội, Betrimex đã phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ tại Bến Tre đạt chứng nhận Organic (EU, USDA, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc) nhằm đảm bảo có được nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng tốt nhất. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm, Betrimex cần phải sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết khép kín từ nguyên liệu đến chế biến. Do vậy, Công ty muốn hợp tác với Viện về các nội dung: về giống dừa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, về các sản phẩm chế biến từ dừa, về canh tác hữu cơ và các mô hình trình diễn về áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác dừa hữu cơ tại các Trung tâm của Viện.
- Viện đã cung cấp các thông tin: Viện đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận các giống dừa bản địa (Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo), các giống dừa lai PB121, JVA1, JVA2 và một số giống lai khác đang được trồng khảo nghiệm ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung như PCA 15-1, PCA 15-2, PCA 15-3, ĐG 13, ĐG 14, ĐG, các giống dừa có hiệu quả kinh tế cao (Sáp, Dứa); các kết quả nghiên cứu về các giống dừa có khả năng chịu được độ mặn > 8‰ nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; các công nghệ - sản phẩm chế biến từ dừa được như: dầu dừa tinh khiết (Giải Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam – Vifotec), sữa dừa, phomat dừa, bột sữa dừa và 02 sản phẩm phân bón hữu cơ: IOOP-1, IOOP-2 được Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận. (QĐ số 2213/QĐ-BVTV-PB ngày 20/06/2019 v/v công nhận phân bón lưu hành tại VN).
Đề xuất hợp tác của hai bên:
Công ty và Viện cùng đi đến thống nhất các nội dung sau:
- Ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 02 bên, có lộ trình hợp tác cụ thể.
- Lập nhóm để cùng phối hợp xây dựng dự án phát triển giống dừa theo tiêu chí lựa chọn của công ty để làm cơ sở để triển khai.
- Chuyển nhượng lại các công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa, bản quyền sản xuất 2 phân bón hữu cơ: IOOP-1, IOOP-2 của Viện để phía Công ty sản xuất đại trà.
- Viện sẽ cử đoàn đi thăm và làm việc tại các Nhà máy của Công ty để có định hướng mở rộng hợp tác.
 
Go to Top