Chi tiết

Giải pháp mới bảo quản trái dừa tươi

ThS. Trần Yên Thảo đã khảo sát và phát hiện chất metabisulfit natri - loại hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm - có thể dùng để xử lý bề mặt bên ngoài gáo dừa (dừa đã bóc lớp vỏ bên ngoài). Nghiên cứu khảo sát cho thấy với một liều lượng sử dụng và thời gian xử lý thích hợp, metabisulfit natri chỉ tồn tại bên ngoài vỏ quả dừa, vừa có tác dụng làm trắng vừa có khả năng tiêu diệt vi sinh vật bên ngoài gáo dừa. Do hóa chất không ngấm vào bên trong, cơm và nước dừa giữ được tính tự nhiên. Sau khi được xử lý bề mặt bằng hóa chất metabisulfit natri, quả dừa sẽ tiếp tục được bao bọc bằng một màng bao (chuyên dùng bảo quản trái cây) và bảo quản ở khoảng 5 độ C. Với hướng xử lý này quả dừa sẽ giữ được mức độ tươi nguyên (màu sắc bên ngoài quả dừa vẫn trắng, không bị hóa nâu) trong khoảng từ 4 - 6 tuần lễ.

Hiện nay ở nước ta đang có một số giải pháp bảo quản quả dừa tươi như “phương pháp lạnh sâu nhanh” (ở âm 35 đến 40 độ C, và bảo quản ở âm 18 độ C), giải pháp này đáp ứng được yêu cầu bảo quản quả dừa tươi để phục vụ xuất khẩu, tuy nhiên hạn chế là giá thành khá cao và quả dừa không còn chất tươi mà đã là sản phẩm đông lạnh. Một giải pháp khác là “bơm thẳng hóa chất bảo quản vào bên trong quả dừa”, hạn chế của giải pháp này là làm thay đổi chất lượng bên trong quả dừa (có sự hiện diện của hóa chất trong nước dừa). Với hướng xử lý của ThS. Trần Yên Thảo, những hạn chế của 2 giải pháp trên đã được khắc phục.

ThS. Trần Yên Thảo cho biết, chị đã áp dụng thử nghiệm giải pháp này cho một số lô hàng gửi sang Hàn Quốc (vận chuyển bằng đường tàu biển). Kết quả bước đầu cho kết quả rất khả quan: sau 4 tuần, khi đến Hàn Quốc, quả dừa vẫn còn trong tình trạng tươi nguyên. Thành công này có thể mở ra hướng xuất khẩu quả dừa tươi uống nước sang thị trường Hàn Quốc, Nhật và châu Âu…
BaoQuanDuaTuoi.jpg

 

Go to Top