Chi tiết

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu: Bảo tồn và lưu giữ giống quý

Sau nhiều năm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Bộ Công Thương) đã chọn lọc, lai tạo được nhiều giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt, được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận là giống quốc gia. Những giống cây này đã góp phần mở rộng diện tích, tăng hiệu quả kinh tế.
TS. Lê Công Nông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu - cho biết, nghiên cứu đa dạng hóa về các giống cây có dầu là một trong những thế mạnh của Viện và có nhiều đóng góp cho sản xuất trong những năm qua. Hầu hết các đề tài tập trung vào nghiên cứu giống cây có dầu như lạc, đậu tương, vừng, dừa, hướng dương, cải dầu, dầu mè, cây tinh dầu...
Bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của Bộ Công Thương cấp hàng năm, Viện đã bảo tồn và lưu giữ được tập đoàn giống dừa gồm 51 giống, bao gồm các giống dừa có nguồn gốc trong nước và nhập nội; trong đó nhiều giống dừa có đặc tính quý, hiếm như dừa Sọc, Sáp, Dứa… Viện đã được Tổ chức Quỹ gen cây dừa Quốc tế (COGENT) công nhận là thành viên thuộc Mạng lưới di truyền tài nguyên cây dừa quốc tế.
Đến nay, đã có 19 giống được dùng trong nghiên cứu lai tạo 28 giống dừa mới. Trong đó, các giống dừa Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo, Dứa, Sáp được Cục Trồng trọt công nhận giống chính thức. Các giống dừa do Viện sản xuất có chất lượng cao (cây khỏe, không sâu bệnh, đúng giống), được bà con nông dân và các đơn vị trồng dừa tin tưởng tiêu thụ.
Viện còn nghiên cứu chọn tạo các giống lạc có năng suất cao, chất lượng tốt đưa ra sản xuất từ nhiều năm nay. Trong đó, các giống VD1 và VD2 đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống quốc gia, các giống VD5, VD6, VD7, VD8 được công nhận giống tạm thời. Các giống lạc này nằm trong 10 giống lạc có diện tích sản xuất lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.
Trong giai đoạn qua, mỗi năm Viện đã cung cấp cho các Trung tâm Khuyến nông và nông dân từ 100 - 150 tấn lạc giống; hàng năm được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thu thập, bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây lạc. Các giống VD01-1 và VD01-2 đang được lưu giữ có năng suất từ 3,5 - 4 tấn/ha, hàm lượng dầu từ 50-52%.
Bên cạnh đó, Viện đã nghiên cứu tuyển chọn các giống vừng mới như V6, V36, V10, VDM34, VDM3 đạt năng suất, hàm lượng dầu cao, được Bộ NN&PTNT công nhận giống cho sản xuất thử ở các tỉnh phía Nam và Bắc Trung bộ; được nhà nước giao thu thập, bảo tồn và lưu giữ 90 mẫu giống vừng tại các trung tâm của Viện. Trong đó, giống vừng vàng VV12 và vừng đen VĐ3 có năng suất 1,3 - 1,5 tấn/ha có triển vọng trong sản xuất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Viện cũng được nhà nước giao thu thập, bảo tồn và lưu giữ được 109 mẫu giống đậu tương; đồng thời đang nghiên cứu các giống đậu tương triển vọng từ nguồn gen lưu trữ, bước đầu cho thấy các giống đậu tương VDT7, VDT8, VDT9 có năng suất trên 2,5 tấn/ha, hàm lượng dầu cao (>20%), phù hợp với điều kiện sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, nghiên cứu tuyển chọn các giống cây hướng dương, trong đó giống hướng dương Hysun 38 cho năng suất hạt 2.700 - 3.300 kg/ha/vụ, năng suất dầu 1.300 - 1.400 kg/ha, được Cục Trồng trọt công nhận giống tạm thời, thích hợp cho vùng Nam Tây Nguyên và miền núi phía Bắc; về cây cải dầu, tuyển chọn được 2 giống cải dầu 07821-1RA và Hyola 61 cho năng suất hạt 1.700-3.000 kg/ha, năng suất dầu 700-1.200 kg/ha, thích hợp trồng ở vùng Nam Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc.
Viện cũng thu thập tập đoàn giống cây dầu mè hơn 80 giống, đang được đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất hạt, năng suất dầu và hiệu quả kinh tế...
Thời gian tới, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thương mại hóa các giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu giống mang nhãn hiệu của Viện.
Quỳnh Nga
Nguồn: https://congthuong.vn/vien-nghien-cuu-dau-va-cay-co-dau-bao-ton-va-luu-giu-giong-quy-143254.html
Go to Top