Tác giả: ThS. Thái Nguyễn Quỳnh Thư, KS. Phạm Phú Thịnh, KS. Lưu Quốc Thắng, ThS. Ngô Thị Kiều Dương, CN. Nguyễn Thị Mai Phương, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, KS. Phạm Thị Lan, KTV. Đặng Kim Thanh và CS.
Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo cơ cấu để tăng hiệu quả kinh tế vườn dừa” được thực hiện trong năm 2012. Kết quả cho thấy:
- Quy mô trồng dừa trong nông hộ, trung bình 1,0-1,2 ha/hộ tại Bến Tre và Trà Vinh; 0,35 ha/hộ tại Bình Định. Các giống dừa phổ biến trong sản xuất là Ta, Dâu và Xiêm. Gần đây, các giống dừa Dứa và dừa Lai được bổ sung vào cơ cấu giống dừa của các địa phương, chủ yếu ở Trà Vinh và Bến Tre, nhưng diện tích còn rất hạn chế. Giống dừa Sáp tập trung chủ yếu ở Trà Vinh. Tại Bến Tre và Trà Vinh, thu nhập từ cây dừa chiếm gần 50% tổng thu nhập trong năm của nông hộ. Tại Bình Định cây dừa chỉ đóng góp gần 10% thu nhập của hộ trong năm.
- Sâu bệnh gây hại chính trên cây dừa ở Bến Tre, Trà Vinh và Bình Định là bọ dừa, đuông, kiến vương, chuột, sóc, thối ngọn và xì mủ thân.
- Tại Bến Tre: Hiệu quả đồng vốn đầu tư cho vườn dừa khá cao (2,67 - 7,10) giữa các phương thức trồng và đầu tư thâm canh. Do vậy, để phát triển vườn dừa theo hướng ổn định, bền vững, cần đầu tư thâm canh theo hướng đa canh trong vườn dừa. Tại Trà Vinh: Chi phí đầu tư cho vườn dừa không có sự khác biệt nhiều giữa thâm canh và quảng canh. Hiệu quả đồng vốn đầu tư cho vườn dừa Xiêm và dừa Sáp khá cao (9,23 - 10,11), các vườn dừa Ta, Dâu thấp hơn (2,82 - 3,10). Tại Bình Định: Năng suất dừa thấp so với Bến Tre và Trà Vinh, nên thu nhập từ dừa ở Bình Định thấp hơn rõ rệt so với Bến Tre và Trà Vinh.
- Để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ, cần thực hiện một số giải pháp về giống; kỹ thuật canh tác (mật đồ trồng, kỹ thuật bón phân, nuôi trồng xen,…); tăng cường hoạt động khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư trồng mới, cải tạo vườn tạp.