Xây dựng mô hình chuyên canh dừa đặc ruột tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, TS. Võ Văn Long, Ks. Phạm Thị Lan
Giống dừa Đặc ruột thuộc loại dừa quý hiếm, là “đặc sản” của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có giá trị kinh tế rất cao, hiện được sử dụng để làm thức giải khát với mùi vị thơm đặc trưng, được du khách ưa thích. Đặc biệt khi vào dịp lễ hội tại địa phương thì giá một quả dừa Đặc ruột lên đến 80.000 đ – 120.000 đ, thậm chí lên đến 200.000đ/quả (thời điểm 2012). Đây là một nguồn lợi to lớn của nông dân huyện Cầu Kè nói riêng và của tỉnh Trà Vinh nói chung. Do đó cần thiết phải nghiên cứu phát triển nhanh giống dừa Đặc ruột, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc lưu giữ giống và xây dựng mô hình chuyên canh dừa Đặc ruột để khai thác hết tiềm năng, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Mô tả và đánh giá các đặc điểm hình thái theo phương pháp chuẩn của IPGRI cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa cây dừa Đặc ruột và cây dừa Ta, dừa Dâu địa phương qua đặc điểm hình thái. Cũng thông qua phương pháp mô tả này dừa Đặc ruột Cầu Kè được phân làm ba nhóm chính: (1) nhóm quả nhỏ, tròn, màu xanh; (2) nhóm quả to, đáy quả có ba cạnh, màu xanh; (3) nhóm quả to, màu nâu. Đồng thời dựa trên mức độ Đặc ruột, dừa Đặc ruột Cầu Kè được phân theo hai kiểu A và B, trong đó nhóm 2 và 3 thuộc kiểu A và nhóm 1 thuộc kiểu B.
Đề tài “Xây dựng mô hình chuyên canh dừa Đặc ruột tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh” đã điều tra hiện trạng canh tác dừa Đặc ruột tại huyện Cầu Kè; mô tả đánh giá đặc điểm hình thái và phân loại được 3 nhóm dừa Đặc ruột; tuyển chọn được là 58 cây dừa mẹ Đặc ruột của 18 hộ tại ấp Chông Nô I và Chông Nô II thuộc xã Hòa Tân; Xây dựng được mô hình chuyên canh dừa Đặc ruột (6 ha) tại huyện Cầu Kè và đã thành lập được nhóm nông dân gồm 16 thành viên có kinh nghiệm trồng, tuyển chọn và ươm giống dừa Đặc ruột làm cơ sở để phát triển giống dừa Đặc ruột tại địa phương.